Ngành Ngân hàng Quảng Bình nỗ lực cung ứng vốn tín dụng
Bám sát chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, từ đầu năm đến nay, NHNN chi nhánh Quảng Bình đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn và hiệu quả.
NHNN chi nhánh Quảng Bình cũng đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Trên cơ sở đó, đơn vị thường xuyên chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng ở Quảng Bình, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Dù đã triển khai quyết liệt rất nhiều giải pháp, song do tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu nên tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn chưa đạt được con số kỳ vọng...
Cụ thể, tính đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 69.275 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm, tăng 14,4% so với cùng kỳ; tổng dư nợ trên địa bàn đạt 86.922 tỷ đồng, tăng 2,57% so với đầu năm, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Các TCTD trên địa bàn Quảng Bình đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, giảm lãi suất cho vay. |
Trên thực tế hiện nay, cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước, tại Quảng Bình cầu tín dụng giảm, sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn khó khăn; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Trước những khó khăn trên, ông Lương Hải Lưu, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Bình cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, “điểm nghẽn”, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đến nay, tại Quảng Bình, lãi suất bình quân cho vay đối với dư nợ hiện hữu là 8,3%/năm, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi suất bình quân cho vay ngắn hạn giảm từ 10%/năm xuống 7,5%/năm (giảm 2,5%), lãi suất bình quân cho vay trung, dài hạn giảm từ 11,1%/năm xuống 9,7%/năm (giảm 1,4%). Riêng lãi suất bình quân cho vay doanh nghiệp giảm 1,9%/năm (từ 10,0%/năm xuống còn 8,1%/năm)...
Song song với việc hạ lãi suất, ngành Ngân hàng trên địa bàn Quảng Bình cũng đã tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Trong đó, thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, tính đến 30/6/2024 các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 786 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế đạt 1.501 tỷ đồng, trong đó của 78 khách hàng doanh nghiệp là 1.167 tỷ đồng, chiếm 77,7%; Tổng dư nợ của 156 khách hàng có khoản nợ không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 2.010 tỷ đồng...
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Quảng Bình đang tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. |
Đặc biệt, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn Quảng Bình đã đẩy mạnh triển khai kết nối ngân hàng - noanh nghiệp. Tháng 5/2024, NHNN chi nhánh tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ngân hàng và doanh nghiệp đã cùng đối thoại trực tiếp giữa “nhận diện” những khó khăn, vướng mắc liên quan tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, để kịp thời tháo gỡ, xử lý. Ngay tại hội nghị này, NHNN chi nhánh Quảng Bình và Hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực về ứng dụng công nghệ trong quản trị doanh nghiệp nói chung và dịch vụ ngân hàng số nói riêng.
Một “điểm sáng” trong hoạt động ngành Ngân hàng ở Quảng Bình trong thời gian chính là việc thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn an ninh hoạt động công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, việc chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng Quảng Bình đang diễn ra mạnh mẽ và có những tiến bộ đáng kể trong thời gian gần đây.
Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; chuyển tiền; kế toán - tài chính…). Nhiều ngân hàng có tỷ lệ trên 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số.
Hiện, các TCTD trên địa bàn đã triển khai mở tài khoản bằng eKYC với gần 313 ngàn tài khoản được mở bằng phương thức điện tử đang hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 122 ATM, 1.526 POS và gần 822 ngàn thẻ ATM (trong đó 80,2% thẻ ATM đạt tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa).
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán QR Code nói riêng, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, UBND TP. Đồng Hới và ngành Ngân hàng đang nỗ lực “phủ sóng” thanh toán QR Code trên toàn địa bàn Đồng Hới.
Một “điểm sáng” trong hoạt động ngành Ngân hàng ở Quảng Bình trong thời gian chính là việc thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt... |
Cũng theo ông Lương Hải Lưu, trong thời gian tới, NHNN chi nhánh Quảng Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ cũng như ở địa phương; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Song song đó, tiếp tục phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành Ngân hàng ở Quảng Bình...