Ngành Ngân hàng Tây Ninh hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, trong 9 tháng đầu năm, NHNN tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách của Ngành trong hệ thống ngân hàng Tây Ninh. Trong đó, trọng tâm là Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; Quyết định số 01/QĐ-UBND về việc ban hành những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2024…
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Tây Ninh |
Chi nhánh đã làm việc với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, với các chi nhánh NHTM Nhà nước trong thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng; đồng thời, phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh tổ chức Kết nối Doanh nghiệp và Ngân hàng, Đối thoại Chính quyền và Doanh nghiệp kinh doanh vàng; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển; thường xuyên giám sát hoạt động của các TCTD, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình hoạt động tiền tệ, ngoại hối để chỉ đạo, điều hành, cũng như tham mưu, kiến nghị, đề xuất với NHNN Việt Nam, UBND tỉnh.
Đối với hoạt động huy động vốn và hoạt động tín dụng trên địa bàn, trong 9 tháng đầu năm 2024, các TCTD quan tâm, đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp nên vốn huy động tiếp tục tăng trưởng tốt. Vốn huy động ước đến cuối tháng 9/2024 đạt 70.350 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm và tăng 10,2% so với cùng kỳ; trong đó, vốn huy động kỳ hạn trên 12 tháng ước đạt 5.400 tỷ đồng, giảm 8,6% so đầu năm, giảm 7,1% so với cùng kỳ và chiếm 7,7% tổng nguồn vốn huy động...
Tổng dư nợ cho vay ước đến cuối tháng 9/2024 đạt 104.200 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm và tăng 12% so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 77.500 tỷ đồng, tăng 6% so đầu năm, tăng 12,9% so cùng kỳ và chiếm 74,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 26.700 tỷ đồng, tăng 5,7% so đầu năm, tăng 9,6% so cùng kỳ và chiếm 25,6% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn vốn cho vay vào sản xuất kinh doanh với dư nợ cho vay lĩnh vực này ước đạt 87.400 tỷ đồng, tăng 5,1% so đầu năm, tăng 11,1% so cùng kỳ và chiếm đến 83,9% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 30.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so đầu năm, tăng 14,9% so cùng kỳ với 1.261 doanh nghiệp; dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 16.800 tỷ đồng, tăng 10,9% so đầu năm, tăng 16,8% so cùng kỳ và chiếm 16,1% tổng dư nợ.
“Các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tín dụng theo định hướng của Ngành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, lãi suất cho vay tiếp tục giảm so đầu năm… nên trong 9 tháng đầu năm vốn tín dụng tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, do mức hấp thụ vốn của nền kinh tế và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản mang tính thời vụ nên mức tăng trưởng tín dụng chưa cao”, ông Hiền cho biết thêm.
Trong 3 tháng cuối năm, ngành Ngân hàng tỉnh Tây Ninh triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên |
Về phương hướng hoạt động 3 tháng cuối năm 2024, NHNN chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng và nhiệm vụ kinh doanh năm 2024 đảm bảo phát triển an toàn, lành mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu vốn và sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng thời, ngành Ngân hàng Tây Ninh tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tích cực triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian thẩm định để giảm lãi suất cho vay; chủ động tổ chức kết nối với doanh nghiệp theo từng ngành nghề, đối tượng cụ thể, tăng cường trao đổi, làm việc với khách hàng vay vốn để kịp thời nắm bắt và xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng đảm bảo hiệu quả, thực chất; tiếp thục triển khai có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030…