Ngành Ngân hàng Thái Bình: “Chia lửa” cùng doanh nghiệp và người dân vượt khó
Không để dòng chảy kinh tế bị đứt gãy
39 văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện công tác phòng, chống dịch kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, điều này cho thấy sự sát sao và đồng hành của NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình cùng toàn hệ thống các TDTD trên địa bàn triển khai phòng, chống dịch.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, bà Phan Thị Tuyết Trinh cho biết, cũng từ tháng 3/2020, NHNN tỉnh đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trong ngành (bao gồm cả hệ thống QTDND) xây dựng phương án, kịch bản ứng phó dịch Covid-19, đồng thời thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án phòng chống dịch, đảm bảo phù hợp với diễn biến thực tế và điều kiện của từng đơn vị; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn vì thế luôn thông suốt trong 8 tháng vừa qua.
Ngành Ngân hàng Thái Bình ưu tiên tập trung vốn cho phát triển kinh tế của tỉnh trong trạng thái bình thường mới |
Tăng trưởng tín dụng có phần thấp hơn cũng cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19. Vì vậy, một trong những nhiêm vụ trọng tâm và cấp bách của hệ thống các TCTD trên địa bàn trong thời gian qua chính là triển khai tốt các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. NHNN Chi nhánh tỉnh cũng đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố cung cấp danh sách cụ thể các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo quy định, giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn…
Từ đây các TCTD trên địa bàn đã chủ động tổ chức làm việc với khách hàng để nắm bắt, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, bố trí nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn.
Kết quả từ 23/01/2020 đến tháng 7/2021, ngành Ngân hàng Thái Bình đã thực hiện cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 2-2,5% so với trước khi có dịch, doanh số cho vay 39.727 tỷ đồng, dư nợ cho vay mới 11.033 tỷ đồng, với 6.239 khách hàng còn dư nợ, giúp khách hàng kịp thời bổ sung nguồn vốn khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 442 khách hàng, với tổng giá trị nợ lũy kế cả gốc, lãi là 993,4 tỷ đồng, dư nợ 182,2 tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 7.496 khách hàng, với tổng giá trị nợ lũy kế 1.295 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 2,1 tỷ đồng; thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử khoảng 30% đối với các giao dịch thanh toán qua ngân hàng.
Đồng thời, ngành Ngân hàng Thái Bình đã triển khai thực hiện chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Kết quả đến 31/8/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện cho vay 7 doanh nghiệp với số tiền 1.026 triệu đồng.
Song song với đó, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tích cực thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Tổng giám đốc các NHTM, đặc biệt các TCTD đã thực hiện miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức chi trả vào tài khoản của người thụ hưởng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Ngân hàng Chính sách xã hội miễn phí chuyển tiền giải ngân vốn vay, phí chuyển tiền vào tài khoản…
Nắn dòng vốn thúc đẩy tiềm năng kinh tế tỉnh
Không chỉ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong 8 tháng đầu năm, các TCTD đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mới ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; DNNVV; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) về mức 4,5%/năm (đối với các NHTM), 5,5%/năm (đối với các QTDND) theo đúng chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Mạng lưới cung ứng dịch vụ ngân hàng được mở rộng. Tính đến cuối tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngoài NHNN tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, có 26 ngân hàng, 85 QTDND hoạt động. Các TCTD đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện và thành phố, 91 phòng giao dịch, 45 QTDND mở rộng địa bàn sang 64 xã và 260 điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, phường, thị trấn.
NHNN Chi nhánh tỉnh báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh duy trì hoạt động của các trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa của các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn khi thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân kịp thời hoàn thiện các thủ tục pháp lý, giải ngân vốn vay ngân hàng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần duy trì và phát triển SXKD |
Dòng vốn tín dụng vì thế tiếp tục lan tỏa trong nền kinh tế tỉnh. Tính đến, 31/8/2021, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh ước đạt 70.760 tỷ đồng, tăng 0,6% so với 31/7/2021, tăng 8,4% so với 31/12/2020. Trong đó, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DNNVV; công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao) dư nợ ước đạt 2.016 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ ước đạt 26.020 tỷ đồng, tăng 4,7% so với 31/12/2020, chiếm 36,8% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn, với gần 111 ngàn khách hàng còn dư nợ. Các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng đã cho trên 182 ngàn doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, dư nợ đạt 30.950 tỷ đồng.
Hiện 77 khách hàng còn dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ với dư nợ đạt gần 19 tỷ đồng, số lãi tiền vay được hỗ trợ trong tháng ước 120 triệu đồng.
Các TCTD đã cho vay 23 dự án kinh doanh nước sạch nông thôn, số tiền giải ngân 405 tỷ đồng, dư nợ cho vay 142 tỷ đồng theo chương trình nước sạch nông thôn theo Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình. Dư nợ cho vay chương trình nước sạch nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội 1.143 tỷ đồng và các dự án nước sạch nông thôn trước khi có Quyết định 12 của tỉnh là 1,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nước sạch nông thôn 1.286,4 tỷ đồng. Cùng với đó là 3.311 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách đang hỗ trợ người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, tri thức và cải thiện chất lượng cuộc sống...
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình Phan Thị Tuyết Trinh cho biết, thời gian tới Chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Nghị quyết số 68/NQ-CP... Đồng thời chủ động theo dõi nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai các chủ trương chính sách, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhanh và hiệu quả nhất, đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển của chính mình cũng như đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)