Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số - cơ hội cho toàn dân tham gia và hưởng lợi
Trước đó, tại Hội nghị ngày 4/8/2022 về Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập sâu sắc về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược.
Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chuỗi sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng vừa diễn ra đầu tháng 8 đã thu hút sự quan tâm của công chúng về những dịch vụ, tiện ích mới lĩnh vực ngân hàng mà chuyển đổi số mang lại. Tuy nhiên, đây chỉ mới là những thành công bước đầu và chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.
Các vị khách mời tham dự Tọa đàm trực tuyến "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" - Ảnh: VGP |
Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu
Nhận định về sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, hiện có 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.
“Trên nghĩa tích cực của chuyển đổi số, ngành Ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch đã rút ngắn chuyển đổi số ngành Ngân hàng, cả ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi vì điều này’’, ông Lê Anh Dũng cho hay.
Đánh giá thực chất chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đến thời điểm này cũng như những lợi ích mà chuyển đổi số đem lại cho ngân hàng, người dân, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng đinh, ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước và việc đi trước đó thể hiện rõ nét nhất thông qua bước thử nghiệm trong những ngày đầu của khủng hoảng COVID-19. Ở thời điểm đó, rất khó để chúng ta có thể dự đoán được mức độ nghiêm trọng của đại dịch, cũng không mấy ai hình dung được rằng các kế hoạch chuyển đổi số được thực hiện trước đây đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng, bất chấp đại dịch.
Bước thử nghiệm đó là một thành công vượt quá mong đợi. Kể cả so với Kế hoạch 828 của Thống đốc NHNN, đến thời điểm này kết quả đã vượt kế hoạch.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, để làm được điều đó, các ngân hàng đã tập trung vốn, công nghệ, con người vào chuyển đổi số, tổ chức từ rất sớm và sẵn sàng bỏ ra nguồn lực mạnh chi cho chuyển đổi số. Trong thời điểm dịch bệnh, cũng không thể kỳ vọng được rằng chuyển đổi số sẽ đạt được hiệu quả trong tương lai. Tuy nhiên, đại dịch ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu nhưng cũng là minh chứng rất lớn cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
“Kết quả, trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa mà vẫn cách ly. Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ số của ngân hàng’’, ông Hùng nói.
Ông Hùng dẫn chứng việc ngành Ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Có thể kể tên một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… vừa qua đã chuyển đổi số và đưa vào ứng dụng sớm nhất, cho nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA lên đến 40-50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40-50% thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỉ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi.
“Đây là tiền đề để các ngân hàng khác từng bước chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân - người dân sử dụng tiện ích nhất và ngân hàng được hưởng lợi. Một trong những điều tôi cảm thấy rất phấn khởi là cả một quá trình như vậy hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt, đảm bảo an toàn, tất cả giao dịch xử lý, kịp thời, nhanh chóng, an toàn”, ông Hùng khẳng định.
Đánh giá những mặt tích cực về việc chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng, NHNN đã có những bước chủ động, đi rất nhanh, sớm về mặt thể chế. Ví dụ như chính sách về trung gian thanh toán đã được đưa ngay vào tầm nhìn. Hằng năm, trong suốt giai đoạn trước, NHNN tổ chức liên tục các cuộc thảo luận chính sách để tìm ra những sáng tạo cho Ngành, tạo ra nền tảng, cú hích rất lớn. Cả 3 trụ cột cho hoạt động dịch vụ ngân hàng, chuyển đổi số ngành Ngân hàng đều được NHNN quan tâm thể chế hóa.
“Đặc biêt, phía NHNN và NHTM đều rất quan tâm đến chuyển đổi số và quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách. Hầu hết các ngân hàng đều có lãnh đạo cấp cao là những người xuất phát từ ngành công nghệ thông tin. Hiện nay, NHNN đã có một Phó Thống đốc phụ trách về công nghệ thông tin và từ "dân" IT ra. Tôi nghĩ rằng đó là những điều thuận lợi và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ngân hàng", ông Hòe cho hay.
Ông Phạm Xuân Hòe dẫn chứng, hiện nay 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.
Ông Hòe đánh giá cao việc lãnh đạo NHNN rất mạnh dạn và đã quyết định cho thí điểm, ví dụ như phải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC) cho thí điểm trước, có lộ trình. Vì để đảm bảo chắc chắn các giao dịch đó được thực hiện tự động một cách an toàn thì phải nhận biết chính xác đó là khách hàng.
Ông Hòe cho biết là một trong những người từng tham mưu cho Ban lãnh đạo ngành Ngân hàng, ông khẳng định đây là ngành đầu tiên có tài liệu viết về công nghệ 4.0. Thêm nữa, Ban lãnh đạo NHNN đã trình Thủ tướng và ra được một quyết định không chỉ giúp cho ngành Ngân hàng mà cho cả ngành Bưu điện, đó là thí điểm chuyển tiền qua hệ thống bưu điện, mở rộng thanh toán đến vùng sâu vùng xa, nâng khả năng tiếp cận cho người dân vùng sâu vùng xa.
“Phải nói là lãnh đạo NHNN có những tầm nhìn và bước đi quan trọng. Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành Ngân hàng", ông Phạm Xuân Hòe khẳng định.
Các tổ chức quôc tế đánh giá, Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành Ngân hàng. |
Phấn đấu đến năm 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa
Khẳng định các mục tiêu cụ thể của ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh đến những trụ cột. Đầu tiên là chuyển đổi số về hình thức, nguồn lực, tập trung đầu tư cho phát triển các hạ tầng có tính vận hành, hệ thống thanh toán điện tử… Trong đó, đặc biệt coi trọng ứng dụng công nghệ số trong thiết kế sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.
Thứ hai, trong kỷ nguyên số thì số hoá dữ liệu rất quan trọng, ngành Ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng, thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử.
Ông Dũng thông tin, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, uy tín, hợp lý.
“Cuối cùng, không thể thiếu được là trong kỷ nguyên số thì rủi ro là rất lớn và thường trực. Bởi vậy, chúng tôi cũng xác định các ngân hàng và NHNN phải an toàn trong dịch vụ. Chúng ta cũng đã chứng kiến những vụ gian lận, tấn công vào người dùng… Vì vậy, người dùng cũng phải được cung cấp thông tin, kiến thức, được giáo dục kỹ năng an toàn tài chính để tận dụng tốt nhất các sản phẩm số của ngân hàng", ông Dũng cho hay.
Nhận định những khó khăn và thách thức của các NHTM, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh đến những cố gắng của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua và những hành lang pháp lý mà hiện nay ngành Ngân hàng đang triển khai trong bối cảnh đang hoàn thiện và sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử.
Theo đó, Luật Giao dịch điện tử có từ năm 2005, cách đây 17 năm và chuyển đổi số mạnh nhất là triển khai trong giai đoạn COVID-19 (2019-2020), nhưng các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị trước đó vài năm. Như vậy, ngân hàng phải đi trước một bước. Nhưng để các ngân hàng đi trước một bước thì không phải các ngân hàng tự làm được trên cơ sở Luật Giao dịch điện tử mà NHNN đã chủ động, nhìn nhận thấy xu hướng thế giới cũng như việc ngành Ngân hàng bắt buộc phải chuyển đổi số, vì vậy đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 35 và nhờ đó mới triển khai được.
Gần như trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số. Còn lại cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ, ngành thì chưa thể triển khai được. Kể cả Thông tư 39 hiện nay cũng không thể sửa đổi được nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung. Từ đó mới thấy được khó khăn của ngành Ngân hàng, các NHTM trong việc triển khai chuyển đổi số.
“Các NHTM đã chuyển đổi thành công và thành công lớn nhất là đảm bảo an toàn trong thanh toán", ông Hùng khẳng định.
Hiện nay, NHNN và các NHTM gặp rất nhiều khó khăn về hành lang pháp lý nhưng cũng đang vượt qua khó khăn để đáp ứng được yêu cầu, vừa đưa vào thực tế ứng dụng được, vừa triển khai theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng mong các ngành và người dân hiểu và chia sẻ cho ngành Ngân hàng nói chung cũng như các TCTD trong quá trình chuyển đổi số vì thời gian vừa qua cũng xảy ra những chuyện như trục lợi, lừa đảo thông qua tin nhắn, hoặc mất tiền trong tài khoản.
“Lỗi đó không phải do ngành Ngân hàng mà ngành Ngân hàng cũng đang phải chịu ảnh hưởng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp phù hợp, đảm bảo người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán thông qua chuyển đổi số một cách an toàn hiệu quả", ông Hùng chia sẻ.