Ngành thép đối mặt nhiều khó khăn kép
Hiện nay, nhiều nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phải gánh chịu áp lực kinh tế và sụt giảm sức cầu dẫn đến một loạt các đợt cắt giảm sản xuất quy mô lớn, thậm chí nhiều nhà máy lớn phải tạm ngừng hoạt động.
Không nằm ngoài bối cảnh này, ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt thách thức do sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép như công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở… và sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước và một số nước lân cận.
Ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức |
Một lãnh đạo DN sản xuất thép có trụ sở tại TP.HCM cho biết, dịch Covid-19 đã làm tắc nghẽn thị trường, không lưu thông được hàng hóa, hầu hết các công trường, công trình và các dự án xây dựng có sử dụng đến thép đều bị dừng thi công. Ngoài ra, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc thì giá thép trên thị trường thế giới và Trung Quốc luôn có xu hướng đi xuống. Điều này khiến cho tồn kho thành phẩm tại kho và các đại lý phân phối tăng cao, khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi hàng hóa vẫn không lưu thông được, giá cả tụt dốc nhưng nhiều khoản vay đã đến hạn phải trả, trong khi dịch bệnh có thể kéo dài khiến cho công trình, dự án xây dựng không khởi động được dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép giảm sút mạnh, phát sinh thua lỗ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đến nay thị trường xuất khẩu chủ yếu của thép Việt là các nước Asean và một số thị trường truyền thống khác. Thời gian qua, một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được đưa vào thực thi như CPTPP, EVFTA… và ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường thành viên. Song cho đến nay, DN ngành thép vẫn chưa khai thác được nhiều, nhất là những thị trường được đánh giá là nhiều tiềm năng như EU, Mỹ, Hàn Quốc…
Ngoài ra, ngành thép từ trước đến nay vẫn luôn phải đối diện với hàng rào phòng vệ thương mại từ nhiều quốc gia, ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch và thị trường xuất khẩu của thép Việt. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chiếm lĩnh thị trường, nâng cao thị phần cũng như kim ngạch xuất khẩu của thép Việt. Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, thép là mặt hàng có số vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trong tất cả các ngành hàng hiện nay, chiếm tới hơn 39% trong tổng số vụ việc các sản phẩm của Việt Nam bị áp dụng, 62 vụ, gấp 7 lần kể từ năm 2004 cho đến nay. Trong đó, kiện chống bán phá giá (34 vụ), chống trợ cấp (3 vụ), chống bán phá giá và chống trợ cấp (6 vụ), điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (13 vụ).
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thép vướng kiện tụng nhiều do sản phẩm này là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp và xây dựng nên thường được các quốc gia quan tâm đến. Hơn nữa, sau khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA song phương và đa phương, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam đã khiến nhiều nước chú ý và điều tra, cũng như áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhiều nhất, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu vào hai thị trường này còn khiêm tốn.
“Chính vì vậy, các DN thép cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra phòng vệ thương mại. Để phòng ngừa và xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại, tránh thiệt hại khi xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành thép cần xây dựng chiến lược xuất khẩu bài bản, dựa trên cơ sở nắm chắc về cơ chế, quy định, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại của các nước. Đặc biệt, DN cần nhanh chóng tìm hiểu về các thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu, tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, nỗ lực đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường” – ông Dũng khuyến cáo
Trong dự báo về tình hình của ngành thép trong năm 2021, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, trong thời gian tới, bức tranh kinh tế thế giới vẫn chưa thể sáng sủa hơn do nhiều quốc gia còn chịu tác động từ dịch bệnh, khiến cho tăng trưởng thấp hơn nữa. Đối với thị trường trong nước, nhu cầu sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, thị trường thép trong nước sẽ phải đối phó với thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc do Bộ Tài chính nước này tăng mức hoàn thuế đối với hơn 1.000 hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, có các sản phẩm thép, bao gồm thép hợp kim và không hợp kim như thép không gỉ, thép thanh, ống thép, các sản phẩm làm bằng thép như đồ dùng nhà bếp... Với việc này, các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc sẽ có điều kiện để giảm giá xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thép từ Trung Quốc trên phạm vi quốc tế, trong đó có Việt Nam.