Nhà đầu tư y tế sợ rủi ro với PPP
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) được các chuyên gia đánh giá là đã tạo ra một bước tiến trong việc thu hút nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư vào những lĩnh vực mà trước đây chỉ có nhà nước làm. Tuy nhiên, thực tế hoạt động đầu tư trong lĩnh vực y tế thời gian qua cho thấy, nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc, bất cập từ các quy định chính sách chưa phù hợp với thực tiễn.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cho đến nay cả nước chỉ có hai dự án đầu tư vào lĩnh vực y tế theo phương thức PPP đang được triển khai.
Trong khi đó, Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%, nhưng hiện tỷ lệ này mới là 5,16%.
Ảnh minh họa. |
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, chủ trương xã hội hóa y tế được Đảng, Chính phủ khuyến khích thực hiện nhằm huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Tuy nhiên hiện nay, khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân, mỗi địa phương áp dụng và hướng dẫn nhà đầu tư các quy định pháp luật theo cách khác nhau.
Có địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu, có nơi áp dụng Luật Đầu tư nhưng không áp dụng ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư như quy định trong Luật mà áp dụng nghị định. Có địa phương lại cho phép nhà đầu tư áp dụng chính sách xã hội hóa thực hiện dự án bệnh viện tư nhân nhưng phải kết hợp quy định Luật Đất đai.
Từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, một số địa phương đã hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng thực hiện dự án theo các quy định của Luật PPP, nhưng chính các địa phương cũng lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện Luật.
Bản thân Luật PPP cũng có những quy định chưa thực tế, như quy mô dự án thuộc lĩnh vực y tế không thấp hơn 100 tỷ đồng, điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư. Bởi, xây dựng dự án bệnh viện phải hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, trong đó tuân thủ định mức đầu tư theo quy định pháp luật về suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2020 theo quy định của Bộ Xây dựng.
Ví dụ, bệnh viện có quy mô từ 50-250 giường bệnh, mức đầu tư là hơn 1,5 triệu đồng/giường bệnh; bệnh viện quy mô từ 250-350 giường bệnh, mức đầu tư là hơn 1,4 triệu đồng/giường bệnh. Như vậy, nếu doanh nghiệp tự bỏ vốn ra đầu tư dự án PPP thì khó có doanh nghiệp tư nhân trong nước nào có thể thực hiện được quy mô đầu tư quá lớn như vậy.
"Trường hợp dự án PPP có sử dụng vốn doanh nghiệp và ngân sách nhà nước cùng thực hiện dự án, quy định hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Quá trình sử dụng vốn đầu tư để mua bán, đầu tư trang thiết bị máy móc, hạ tầng cơ sở y tế sẽ như thế nào? Liệu có hay không tình trạng bắt tay để trục lợi trong quá trình đầu tư, mua sắm?", ông Đệ đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, mặc dù Luật PPP quy định ngoài dự án PPP do nhà nước đề xuất thì nhà đầu tư có thể tự đề xuất dự án PPP. Trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện dự án cơ bản thực hiện giống như các dự án PPP do nhà nước đề xuất.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của nhà đầu tư chính là cho dù dự án do nhà đầu tư tự đề xuất thì vẫn phải tổ chức đấu thầu rộng rãi hoặc đàm phán cạnh tranh. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu dự án. Vì vậy, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị nên bỏ việc đấu thầu đối với dự án PPP do nhà đầu tư tự đề xuất và có thêm quy định cụ thể để bảo vệ nhà đầu tư chân chính.
“Tư nhân bỏ thời gian, công sức tiền của chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước, theo đuổi dự án, lo hết các trình tự thủ tục đầu tư, lo an sinh xã hội… Đến giai đoạn đấu thầu, nếu phải đối mặt với doanh nghiệp ma nhảy vào làm giá sẽ không tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư mà còn rủi ro trong quá trình đầu tư dự án PPP”, ông Đệ lưu ý.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cơ chế chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực và doanh thu phương án tài chính khi tăng trên 125% hoặc giảm dưới 75% giữa doanh nghiệp và nhà nước trong quy định của Luật PPP áp dụng với lĩnh vực y tế cũng khó khả thi. Bởi, y tế là lĩnh vực đặc thù, tính chất đầu tư không giống với các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng điện, công nghệ thông tin… Lĩnh vực y tế đòi hỏi phải thường xuyên tái đầu tư, bảo dưỡng máy móc thiết bị, đầu tư nhân lực, ứng dụng kỹ thuật cao, phương pháp mới…
Một khảo sát của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho thấy do việc đầu tư, quản lý y tế gặp nhiều yếu tố rủi ro nên đa số các doanh nghiệp tham gia đầu tư bệnh viện đều có một lĩnh vực kinh doanh khác hỗ trợ thêm.
Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý quy định thời hạn hợp đồng phụ thuộc vào sự tăng - giảm doanh thu trong năm sẽ tạo tâm lý thấp thỏm đối với nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Ngoài ra, Luật PPP và Nghị định hướng dẫn cũng chưa nêu rõ trong trường hợp nhà nước vi phạm hợp đồng sẽ xử trí thế nào? Nhà nước sẽ đền bù thiệt hại như thế nào cho nhà đầu tư. Việc định giá thiệt hại cũng cần được làm rõ để doanh nghiệp yên tâm trong quá trình quan tâm tham gia đầu tư dự án PPP lĩnh vực y tế, vốn vô cùng nhiều rủi ro.