Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của TPBank
Lợi nhuận bứt phá, cơ cấu chuyển dịch tích cực
Năm 2024 chứng kiến một bức tranh kinh doanh tươi sáng của ngành ngân hàng Việt Nam với những con số lợi nhuận ấn tượng. Trong đó, TPBank đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi lợi nhuận trước thuế đạt gần 7.600 tỷ đồng, vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra và tăng trưởng ấn tượng 36% so với năm 2023 - mức tăng cao hơn đáng kể so với nhiều ngân hàng khác.
Năm 2024 TPBank đã ghi dấu ấn khi lợi nhuận trước thuế đạt gần 7.600 tỷ đồng tăng trưởng 36% so với năm 2023 |
Dù xét về giá trị tuyệt đối, lợi nhuận của TPBank chưa phải ở nhóm dẫn đầu, nhưng tốc độ tăng trưởng cao cùng chỉ số ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) duy trì trên 17% đã cho thấy ngân hàng đang vận hành hiệu quả và bền vững.
Không chỉ dừng lại ở đó, tổng tài sản vượt 418.000 tỷ đồng (tăng 17% so với năm trước). Vốn điều lệ cũng được nâng lên 26.420 tỷ đồng đã khẳng định vị thế tài chính vững mạnh của TPBank, tạo nền tảng vững chắc cho sự mở rộng và phát triển bền vững.
Một điểm sáng đặc biệt là sự chuyển dịch cơ cấu lợi nhuận, khi TPBank giảm sự phụ thuộc vào tín dụng và phát triển mạnh mẽ các dịch vụ phi tín dụng. Thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Đặc biệt, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ tăng tới 47,5%, đạt hơn 3.360 tỷ đồng, nhờ chiến lược số hóa và các sản phẩm tiện ích vượt trội.
Kết quả này phần lớn nhờ vào chiến lược số hóa ngân hàng và gia tăng tiện ích thanh toán, giúp TPBank thu hút thêm 2,1 triệu khách hàng mới trong năm 2024, nâng tổng số khách hàng lên 14,1 triệu. Các sản phẩm và dịch vụ số hóa không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn thúc đẩy doanh số giao dịch qua ngân hàng điện tử đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc so với các năm trước.
Chiến lược số hóa ngân hàng và gia tăng tiện ích thanh toán giúp TPBank thu hút thêm 2,1 triệu khách hàng mới trong năm 2024, nâng tổng số khách hàng lên 14,1 triệu |
Chiến lược số hóa - chìa khóa cho tăng trưởng dài hạn
Đại diện TPBank cho biết, ngân hàng luôn chú trọng đầu tư công nghệ với ngân sách gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2024 để nâng cấp hạ tầng, tăng cường bảo mật và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Các chiến lược như mở rộng tệp khách hàng trẻ (Gen Z, Gen G), cải thiện dịch vụ số và tăng cường các điểm giao dịch tự động LiveBank hoạt động 24/7 đã góp phần quan trọng trong việc thu hút 2,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 14,1 triệu chỉ trong 4 năm.
Hiện có khoảng 4 triệu khách hàng thường xuyên giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử, với tổng doanh số giao dịch gần 2 triệutỷ đồng trong năm qua – một con số ấn tượng phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ sang giao dịch trực tuyến.
Điểm sáng nữa trong kết quả kinh doanh năm qua, trong bối cảnh nhiều ngân hàng bị suy giảm, tỷ lệ CASA (tài khoản thanh toán không kỳ hạn) của TPBank đã có mức tăng trưởng tốt, đạthơn 14% so với năm 2023 giúp cải thiện chi phí vốn và tăng cường khả năng cạnh tranh. Việc triển khai chiến dịch chuyển đổi số tại quầy, mở rộng các điểm giao dịch tự động LiveBank – hoạt động liên tục 24/7 lên đến hơn 400 điểm cũng đã giúp ngân hàng thu hút được một lượng lớn huy động từ dân cư. Tổng huy động cán mốc hơn 374.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch 14%. “TPBank sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm CASA và tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng qua ứng dụng ngân hàng điện tử. Chúng tôi đặc biệt chú trọng vào việc khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng của ngân hàng nhiều hơn, từ đó gia tăng tỷ lệ CASA”, đại diện TPBank chia sẻ thêm.
Những con số này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của TPBank. Một yếu tố quan trọng khác là chiến lược quản trị rủi ro của TPBank khi ngân hàng đã kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu, giữ ở mức dưới 2%, và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khá cao so với các ngân hàng trong hệ thống đạt 14% thậm chí đang cao hơn yêu cầu tối thiểu của Basel III. Điều này cho thấy khả năng sẵn sàng ứng phó, đảm bảo sự ổn định tài chính của ngân hàng khi phải đối mặt với biến động thị trường.
Chỉ số đáng lưu ý nữa thể hiện hiệu quả vận hành của ngân hàng đó là tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của TPBank giảm từ mức 41,28% năm 2023 xuống chỉ còn 34,78% năm 2024. Đây là sự cải thiện đáng kể trong một năm kinh doanh đầy khó khăn. Đại diện TPBank cho hay, để có sự cải thiện trên, ngân hàng đã kiểm soát rất tốt chi phí. Ngay từ đầu năm, ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tối ưu chi phí. Chẳng hạn, ngân hàng không tăng số lượng nhân sự mà chỉ tối ưu bộ máy nhân sự, nhằm nâng cao năng suất ở các phòng ban khác nhau theo hướng giảm tuyển dụng ở các bộ phận "back-office" và tăng cường nhân lực ở các đơn vị kinh doanh. Điều này giúp kiểm soát chi phí mà không làm tăng tổng số nhân sự, từ đó cải thiện CIR. “Trong năm 2025, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ CIR ổn định và đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà ban lãnh đạo hướng tới để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Quản trị rủi ro tốt kết hợp hiệu quả vận hành cao tạo nên nền tảng tài chính vững mạnh cho TPBank”, đại diện ngân hàng chia sẻ thêm.
Với tỷ lệ CAR cao và CIR thấp, ngân hàng vừa đảm bảo an toàn về vốn, vừa đạt được lợi nhuận tối ưu.
Nâng tầm thương hiệu và tầm nhìn phát triển bền vững
Những kết quả tích cực trên đã tạo nền tảng vững chắc giúp TPBank không chỉ củng cố sức mạnh tài chính, chủ động đối phó với biến động của nền kinh tế, duy trì lợi thế cạnh tranh trong ngành ngân hàng, mà còn xây dựng được niềm tin vững bền từ khách hàng và đối tác.
Chính vì thế, việc TPBank lần thứ hai lọt vào Top 100 của Brand Finance vào năm 2024, với giá trị thương hiệu tăng 8% lên 461 triệu USD và duy trì vị trí thứ 23 trong bảng xếp hạng Vietnam 100 2024 không phải là điều ngẫu nhiên. Ngân hàng tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam về uy tín và chất lượng, được xếp hạng trong Top 4 Ngân hàng Vững mạnh nhất Việt Nam năm 2024 theo đánh giá của The Asian Banker. Đồng thời, TPBank cũng vinh dự nằm trong Top 10 ngân hàng uy tín tại Việt Nam và đứng thứ 5 trong số các ngân hàng tư nhân uy tín theo Vietnam Report.
Với 2.419 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước năm 2023, TPBank trở thành một trong 10 ngân hàng tư nhân nộp ngân sách nhiều nhất năm.
TPBank cũng đã cho thấy chiến lược cá nhân hóa sắc nét và khẳng định khả năng thấu hiểu người dùng vượt trội, đặc biệt là giới trẻ khi App TPBank trở thành "Ứng dụng tài chính - tiêu dùng được giới trẻ yêu thích nhất" tại Wechoice Awards 2024.
TPBank cũng vừa công bố Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) với những cam kết mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi ngân hàng xanh, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của quốc gia. Đây là năm đầu tiên, TPBank công bố báo cáo về những thành tựu phát triển bền vững. Ngân hàng đặt mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và ưu tiên của kế hoạch dài hạn, trong đó thực hành ESG chính là công cụ thiết thực nhất mà TPBank đã và đang thực hiện để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, từ đó góp phần vào thịnh vượng chung của quốc gia.
TPBank đã khép lại năm 2024 với những thành tích ấn tượng cả về lợi nhuận, hiệu quả vận hành, quản trị rủi ro và chiến lược số hóa. Những con số tăng trưởng vượt trội và những định hướng phát triển bền vững không chỉ tạo nên sự khác biệt mà còn củng cố vị thế của TPBank trên thị trường. Với chiến lược đúng đắn, ngân hàng đang ngày càng khẳng định mình là một trong những thương hiệu dẫn đầu ngành Ngân hàng Việt Nam.