Ngành Ngân hàng Ninh Thuận nỗ lực thúc đẩy vốn tín dụng
Ngay từ đầu năm 2024, NHNN chi nhánh Ninh Thuận đã quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trên địa bàn theo chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, UBND tỉnh về tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng Ninh Thuận năm 2024.
Trong đó, tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai các giải pháp tăng cường công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Ninh Thuận cho biết, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ như, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
NHNN Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tập trung nguồn vốn đầu tư tín dụng theo các chính sách, chương trình tín dụng trọng điểm của Chính phủ và của Ngành như, cho vay nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với các loại hình kinh tế tập thể...
Các TCTD trên địa bàn Ninh Thuận đã và đang hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh |
Nhìn chung, thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở Ninh Thuận tiếp tục theo xu hướng giảm, các chi nhánh NHTM trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất cho vay bình quân của các NHTM đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm)…
Cũng trong năm 2024, ngành Ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các TCTD trên địa bàn đã tổ chức các hội nghị, hội thảo khách hàng để đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Ninh Thuận cũng đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao đổi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kết nối tín dụng cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Sự kiện diễn ra dưới sự chủ trì của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với NHNN tỉnh tổ chức thực hiện.
Trong khi đó, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN Ninh Thuận tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 1466/KH-UBND 08/4/2022 về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025.
Kết quả, đến cuối năm 2024, số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (ATM, POS) đến cuối năm 2024 đạt 756 điểm (mục tiêu đến cuối năm 2025: 1.000 điểm). Thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công: 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Mô hình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng nho ở huyện Ninh Hải. |
Các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt đạt trên 98,1% (mục tiêu đến cuối năm 2025: Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt); 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (mục tiêu đến cuối năm 2025: 100%)…
Có thể nói, trong năm 2024, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã triển khai đầy đủ, kịp thời và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động Ngân hàng theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của NHNN và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư và dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng so với cuối năm 2023.
Vốn tín dụng được tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ, của Ngành và của địa phương. Tín dụng chính sách được quan tâm thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tích cực triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Các TCTD chấp hành nghiêm các quy định về tỷ giá và hoạt động ngoại hối, kinh doanh vàng, tăng cường thực hiện các biện pháp mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ…
Vốn tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn ở Ninh Thuận. |
Năm 2025, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đặt ra mục tiêu, tiếp tục hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, phát huy vai trò tích cực trong thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Trong đó, huy động vốn tăng tối thiểu 12%; đầu tư tín dụng tăng 10-12% với lãi suất hợp lý. Cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng của Ngành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương…
Để thực hiện mục tiêu trên cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, an toàn, hiệu quả vốn vay; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, phù hợp với định hướng của Ngành và nhu cầu vốn phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở Ninh Thuận.
Nhằm chủ động nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các TCTD trên địa bàn Ninh Thuận đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác huy động vốn. Nguồn vốn huy động tại chỗ (thị trường I) đến cuối năm 2024 đạt 25.204 tỷ đồng, tăng 2.657,1 tỷ đồng (tăng 11,78%) so với cuối năm 2023. Trong khi đó, dư nợ cho vay năm 2024 đạt 48.535 tỷ đồng, tăng 6.083,3 tỷ đồng (tăng 14,33%) so với cuối năm 2023, vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10-12% do UBND tỉnh giao năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 30.698 tỷ đồng, chiếm 63,25%, tăng 5.258,5 tỷ đồng (tăng 20,67%); dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 17.837 tỷ đồng, chiếm 36,75%, tăng 824,9 tỷ đồng (tăng 4,85%) so với cuối năm 2023… |