NHNN tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 6 Hội đồng Thống đốc AIIB
Từ ngày 26 - 28/10/2021, Hội nghị Thường niên lần thứ 6 của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ nước chủ nhà Hội nghị Thường niên năm 2021 là Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đến 103 nước thành viên. Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đại diện lãnh đạo và các cán bộ liên quan của Vụ Hợp tác Quốc tế đã tham dự Hội nghị.
Các đại biểu NHNN dự Hội nghị |
Phiên Khai mạc và Phiên họp chính thức của Hội đồng Thống đốc AIIB diễn ra từ 17h00 - 20h00 ngày 26/10/2021 (theo giờ Việt Nam). Tại Phiên họp, Ban Giám đốc AIIB đã trình Hội đồng Thống đốc AIIB xem xét thông qua các Nghị quyết về Báo cáo thường niên 2020, kết nạp Cộng hòa Nigeria làm thành viên của Ngân hàng, Kế hoạch Hội nghị thường niên 2022 và bầu nhân sự cho Hội đồng Thống đốc nhiệm kỳ tiếp theo.
Hội nghị ghi nhận, trong năm vừa qua, AIIB đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc mở rộng thành viên và gia tăng hoạt động. Năm 2020, AIIB đã hoàn tất thủ tục phê duyệt để kết nạp thêm 1 nước thành viên, nâng tổng số thành viên được phê duyệt của tổ chức này lên 103. Như vậy, sau 5 năm, AIIB đã gia tăng mạnh mẽ quy mô thành viên so với con số 57 thành viên sáng lập khi Ngân hàng đi vào hoạt động năm 2006.
Về hoạt động tài trợ, tính đến cuối năm 2020, AIIB đã tài trợ mới 45 dự án với tổng giá trị 9,98 tỷ USD (nâng tổng số dự được phê duyệt lên 108 dự án, trị giá 22,02 tỷ USD). Tháng 4/2020, trong nỗ lực hợp tác toàn cầu nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, Ban Giám đốc AIIB đã phê duyệt việc thiết lập Thể thức Phục hồi khủng hoảng do dịch COVID-19 (CRF) nhằm hỗ trợ các nước thành viên giảm thiểu tác động bất lợi và phục hồi hậu quả nặng nề của đại dịch. Trong khuôn khổ CRF, tính đến cuối năm 2020, AIIB đã tài trợ 27 dự án tại 19 quốc gia với tổng mức đầu tư 7,08 tỷ USD (trong đó có 1 dự án trị giá 100 triệu USD dành cho Việt Nam là dự án hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng). Theo thiết kế ban đầu, CRF có quy mô 10 tỷ USD, tuy nhiên do dịch COVID-19 kéo dài và nhu cầu hỗ trợ từ các nước thành viên tiếp tục tăng lên, Ban Lãnh đạo AIIB đã đề xuất Ban Giám đốc cho phép tăng quy mô CRF lên 13 tỷ USD và kéo dài đến tháng 4/2022, so với thời hạn ban đầu là tháng 10/2021.
Năm 2020 là năm thứ 4 liên tiếp AIIB đạt mức xếp hạng tín nhiệm tương đương với các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Cụ thể, S&P Global xếp hạng AIIB ở mức AAA/A-1+, Fitch Ratings ở mức AAA/F1+ và Moody’s Investors Service ở mức Aaa/P-1.
Mức xếp hạng tín nhiệm cao cho phép Ngân hàng huy động vốn với chi phí thấp và dài hạn, tạo điều kiện cho AIIB theo đuổi được mô hình tài chính độc lập, ít phụ thuộc vào nguồn vốn bổ sung của các nước thành viên. Tính đến cuối năm 2020, AIIB đã huy động được gần 9 tỷ USD nguồn vốn dài hạn và 1 tỷ USD nguồn vốn ngắn hạn. Chương trình phát hành trái phiếu riêng lẻ của AIIB cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động nguồn vốn, góp phần giảm đáng kể chi phí vốn cho Ngân hàng; đặc biệt AIIB đã được MTN-I, kênh thông tin trực tuyến về các công cụ nợ trên thị trường Mỹ và Châu Á - Thái Bình Dương, trao giải thưởng “Chương trình phát hành riêng lẻ của năm”.
Kết thúc năm 2020, AIIB đã cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản định hướng chiến lược đầu tư trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng tâm của Ngân hàng, bao gồm: năng lượng, giao thông, đô thị, nước, kỹ thuật số và huy động nguồn vốn tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, AIIB liên tục rà soát, đánh giá và sửa đổi, cập nhật các khuôn khổ chính sách quan trọng như: Khuôn khổ Môi trường Xã hội, Khuôn khổ Quản trị Rủi ro, Chính sách Công bố thông tin,… Những kết quả của năm đầu tiên triển khai Chiến lược Phát triển Tổ chức giai đoạn 2021 - 2030 - Chiến lược tiếp tục đặt nền móng cho AIIB bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 là thúc đẩy thịnh vượng ở châu Á trên cơ sở phát triển kinh tế bền vững và hợp tác khu vực. Trong 10 năm tới, AIIB xác định sứ mệnh “Tài trợ Cơ sở hạ tầng cho Tương lai”, cam kết hỗ trợ phát triển bền vững và toàn diện cả về kinh tế, tài chính, xã hội, môi trường và bám sát bốn ưu tiên trọng tâm là cơ sở hạ tầng xanh, kết nối và hợp tác khu vực, cơ sở hạ tầng công nghệ, huy động nguồn vốn tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Trong bài phát biểu gửi đến Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, Hội nghị Thường niên lần thứ 6 của AIIB diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và mỗi nước thành viên phải đối mặt với những diến biến khôn lường do đại dịch COVID-19. Dù vốn kinh nghiệm còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đối phó khủng hoảng, nhưng với tư cách một ngân hàng phát triển đa phương thế hệ mới, năng động và phản ứng nhanh, AIIB đã khẩn trương xây dựng và thông qua Thể thức Phục hồi khủng hoảng do COVID-19 (CRF) để hưởng ứng nỗ lực của các tổ chức quốc tế và ngân hàng phát triển đa phương trong hỗ trợ các nước thành viên vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch và dần tạo đà khôi phục nền kinh tế. Việt Nam đánh giá cao việc AIIB đã nhanh chóng hưởng ứng và tích cực tham gia các nỗ lực toàn cầu để hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn do COVID-19; đồng thời nhấn mạnh, bên cạnh việc mau chóng chung tay hỗ trợ các nước thành viên vượt qua khủng hoảng, AIIB cũng chứng minh được khả năng chủ động thay đổi từ bên trong để thích nghi trước thay đổi và thử thách.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng thông báo về những giải pháp và kết quả của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Về các nỗ lực phục hồi nền kinh tế thời gian tới, Chính phủ Việt Nam xác định thúc đẩy hơn nữa sản xuất, tiêu dùng và đầu tư để không chỉ phục hồi mà còn tạo đà tăng trưởng kinh tế bền vững. Để phục vụ định hướng đó, phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ; trong đó, khuyến khích đầu tư tư nhân, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, và đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu là các trọng tâm trong phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ Việt Nam. Xét đây cũng là mục tiêu mà AIIB theo đuổi, Việt Nam tin tưởng sẽ có ngày càng nhiều các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam mà AIIB có thể tham gia trong thời gian tới.
Tiếp nối chương trình Hội nghị, phiên Thảo luận Bàn tròn của các Thống đốc đã diễn ra với hai nội dung: (i) Hỗ trợ giảm thiểu tác động của khủng hoảng do COVID-19 gây ra và phục hồi hậu COVID-19; và (ii) Tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là hai chủ đề được đánh giá sẽ là ưu tiên xuyên suốt của không chỉ AIIB mà cả cộng đồng các tổ chức tài chính quốc tế đa phương từ nay đến năm 2022.
Tại phiên thảo luận, đại diện các nước đã trao đổi quan điểm về các thách thức toàn cầu đối với sự hồi phục và phát triển của từng quốc gia cũng như đối với các nỗ lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có AIIB; từ đó đề xuất các định hướng quan trọng cho hoạt động của Ngân hàng trong trung và dài hạn, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đổi mới và triển khai một cách linh hoạt các hình thức đầu tư đối với các lĩnh vực trọng tâm của AIIB là cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, phát triển bền vững đô thị, cũng như đảm bảo khả năng thích ứng trước các thách thức toàn cầu không lường trước được như đại dịch COVID-19 đang diễn ra.
Bên lề Hội nghị thường niên, trong 3 ngày 26 - 28/10/2021, AIIB và nước chủ nhà UAE phối hợp tổ chức một loạt các diễn đàn chuyên đề thảo luận về sự phát triển của AIIB trong tương lai với sự tham dự của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các chuyên gia tài chính, kinh tế, đầu tư. Các diễn đàn chuyên đề năm nay xoay quanh chủ đề về hỗ trợ ứng phó với khủng hoảng do COVID-19 và tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu được AIIB và các nước thành viên đặc biệt quan tâm, trong đó có các nội dung như: Vai trò của các Ngân hàng phát triển đa phương trong xây dựng, triển khai và thúc đẩy các nguyên tắc và chuẩn mực ESG - Môi trường, Xã hội và Quản trị, Công nghệ bền vững hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại các thành phố Châu Á, Xây dựng Cơ sở hạ tầng đô thị bền vững, Chuyển đổi xanh tại các quốc gia đang mới nổi và đang phát triển,… NHNN sẽ tiếp tục đưa tin về sự tham gia của Đoàn Việt Nam và các nội dung chính được thảo luận tại các diễn đàn chuyên đề bên lề Hội nghị Thường niên AIIB 2021.
AIIB là ngân hàng phát triển đa phương được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/2016 với hai mục tiêu chính bao gồm: (i) Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, thịnh vượng và kết nối cơ sở hạ tầng tại Châu Á thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực sản xuất hiệu quả khác; và (ii) Đẩy mạnh hợp tác và tăng cường quan hệ đối tác trong việc xử lý các thách thức trong quá trình phát triển thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phát triển song phương và đa phương khác. Việt Nam là thành viên sáng lập của AIIB và NHNN là cơ quan được giao thực hiện chức năng đại diện Việt Nam tại tổ chức này.