NHNN Vĩnh Phúc triển khai nhiệm vụ năm 2023
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh.
Về phía ngành Ngân hàng có đồng chí Hà Thu Giang, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; đồng chí Lê Văn Đề, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm toán - NHNN; cùng Ban giám đốc, cán bộ chủ chốt, cán bộ Thanh tra giám sát, cán bộ Phòng Tổng hợp Nhân sự và Kiểm soát Nội bộ NHNN tỉnh; giám đốc các chi nhánh tổ chức tín dụng cấp I, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã trên địa bàn.
Chủ trì Hội nghị là đồng chí Hoàng Duy Chinh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc.
Đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Báo cáo kết quả hoạt động ngành Ngân hàng tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trong năm 2022, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo và hướng dẫn các chi nhánh tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các văn bản mới, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, NHNN và của tỉnh đối với hoạt động ngân hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động luôn an toàn, hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đến 31/12/2022, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 109.581 tỷ đồng, tăng 13,74% so với năm 2021; dư nợ cho vay đạt 115.788 tỷ đồng, tăng 13,47% so với năm 2021 (hoàn thành kế hoạch đề ra); nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức thấp, chỉ chiếm 0,52% tổng dư nợ.
Kết quả cho vay các chương trình tín dụng đặc thù đến 31/12/2022 như sau: Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 17,12% so với năm 2021; cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 19,65% so với năm 2021; cho vay 3.300 doanh nghiệp, dư nợ đạt 49.000 tỷ đồng, chiếm 48,81% tổng dư nợ, tăng 16,36% so với năm 2021; cho vay xuất khẩu đạt 80 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 21.700 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 250 tỷ đồng.
Kết quả cho vay các đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh với 25.000 lượt khách hàng được cho vay năm 2022, doanh số cho vay đạt trên 2.000 tỷ đồng; dư nợ đạt 3.650 tỷ đồng, tăng 13,58% so với cuối năm 2021 với gần 100 ngàn khách hàng có dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay một số chương trình chính như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo 1.100 tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên 65 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 985 tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 110 tỷ đồng…; cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính Phủ và Thông tư 03 của NHNN đối với 50 khách hàng với số tiền lãi được hỗ trợ là 3.265,8 triệu đồng (trong đó 9 doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 3.201,5 triệu đồng; 41 hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 64,3 triệu đồng). Tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất đến cuối kỳ đạt 1.113,5 triệu đồng.
Trên cơ sở định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, năm 2023, ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc đã định hướng một số chỉ tiêu như sau: phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn huy động từ 12-14%; tăng trưởng tín dụng từ 13-15%; kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 2% tổng dư nợ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm 2022, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022 và cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023; Giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, tiếp tục đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp phục hồi, phát triển, nâng cao các chất lượng dịch vụ ngân hàng; Tăng cường công tác thanh tra giám sát, đặc biệt quan tâm đến các hoạt động giao dịch liên quan đến trái phiếu của doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, tiền ảo để giữ vững ổn định hoạt động ngân hàng và kinh tế - xã hội của địa phương; Có các giải pháp tăng cường quản lý để đảm bảo duy trì lãi suất huy động và cho vay hợp lý nhằm giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong việc triển khai các hoạt động của ngành Ngân hàng, tăng cường biện pháp quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng và kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh…
Hội nghị đã nhận được một số ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự, các ý kiến đều nhất trí với báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2022, đồng thời đề nghị NHNN thống nhất mức lãi suất huy động các kỳ hạn, tránh trường hợp các ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh, lôi kéo khách hàng của nhau gây xáo trộn thị trường tiền tệ. Các đại biểu cũng đề nghị NHNN có hướng dẫn chi tiết cho tất cả các ngân hàng trong việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước vì hiện nay mỗi ngân hàng có một cách hiểu các khái niệm khác nhau về “phục hồi”, “hiệu quả cho vay”…
Phát biểu với Hội nghị, đồng chí Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc năm 2022; giải đáp các kiến nghị của đại biểu tham dự; mong muốn năm 2023 NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cùng các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục bám sát, tập trung vào một số nhiệm vụ mà Thống đốc NHNN đã chỉ đạo, giữ vững hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và phát triển.
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đồng thuận việc thực hiện mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn theo chỉ đạo của NHNN. Qua đó, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã nhất trí cao, cùng đồng thuận ký vào Biên bản thỏa thuận mặt bằng lãi suất huy động trên địa bàn để cùng nhau thống nhất thực hiện tốt các quy định của NHNN, không huy động với lãi suất đột biến, không lôi kéo khách hàng của nhau, tiết giảm chi phí để có dư địa giảm lãi suất đầu ra, đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn.
NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã phát động thi đua ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc năm 2023, tin tưởng rằng với quyết tâm và nỗ lực của mình hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đã đề ra.