Nhọc nhằn con đường đến trường của trẻ em Lốm Hỏm
Thanh niên Ngân hàng chung tay vì “Đông ấm cho em” |
Điểm trường mầm non và tiểu học xã Mường Lầm tại bản Lốm Hỏm |
Cung đường trên mây
Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ câu chuyện của anh trưởng đoàn kể về một điểm trường nhỏ nhắn, nằm cheo leo giữa muôn trùng núi non tại thị trấn Sông Mã, nơi có 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mông. Mỗi ngày từ mờ sáng, những đứa trẻ lội bộ quãng đường đèo đến trường, gần 20km cả đi lẫn về.
Các tình nguyện viên “trải nghiệm” con đường đi học của học sinh bản Lốm Hỏm |
Trước khi đưa chúng tôi vào bản, các thầy, cô phải “bồi bổ” cho lốp xe căng tròn hơn mọi ngày. “Bồi bổ” cho lốp xe vì dân địa phương chỉ đi một mình trên cung đường ấy nên bánh xe luôn để non cho dễ lái. “Không bồi bổ vào là không đi được đâu, thủng săm giữa đường ngay”, vừa hì hục với chiếc bơm chân, thầy Thào Nủ Chay vừa nói.
Dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng nhìn những cung đường trước mắt cũng khiến tôi hãi hùng. Những con dốc đá thẳng đứng, cộng với con đường chưa đầy 1m một bên là đá một bên là vực. Dốc nối dốc, những con dốc oằn mình men theo sườn núi, mây cứ thế mà thấp dần dưới chân, ngồi trên xe nắm chặt tay vào thành sau mà không khỏi rùng mình.
Dốc nối dốc đầy sỏi đá trên con đường đi học |
Đi được khoảng nửa chặng đường, bủa vây chúng tôi là mùi khét đặc của động cơ, lốp xe vì gắng sức cũng bung mất lớp vá cũ mà xịt hơi tới đáy, chúng tôi phải bỏ xe lội bộ. Càng lên cao, tai chúng tôi càng ù đi, vượt được con dốc này thì con dốc hiểm trở hơn lại hiện ngay trước mắt. Từng đó thôi cũng đủ để những đứa trẻ lớn lên trên thành thị chúng tôi thêm phần ngưỡng mộ nghị lực đến trường phi thường của các em nhỏ nơi đây.
Gửi niềm vui vào con chữ
Leo đường chừng dăm lần thở dốc, chúng tôi cũng đến được bản Lốm Hỏm, nơi có điểm trường mầm non và tiểu học xã Mường Lầm, cũng là nơi các em đang sinh sống. Nơi đây, dân bản sống tách biệt với nhau, không sống thành từng cụm mà chia từng nhà, cứ đi qua vài rẫy mới có một hộ dân.
Tại bản Lốm Hỏm, chúng tôi may mắn gặp em Giàng Thị Son (6 tuổi), một trong số ít những đứa trẻ người Mông biết tiếng Kinh, vừa theo mẹ đi rẫy về. Nhà Son có 4 anh chị em thì 2 người đang đi học, sau Son còn 1 em nhỏ. Trả lời câu hỏi bằng tiếng Kinh của tôi “em đi học bằng gì” em dõng dạc “dạ đi bộ”.
Những đứa trẻ lấm lem chờ bố mẹ về sau buổi rẫy chiều. (Ảnh: Duy Long) |
“Mỗi sáng con đi học từ 4 giờ, con dắt cả em kế đến trường học chung. Đến trưa cũng địu em về cùng để kịp buổi rẫy chiều với bố mẹ. Đi thì mỏi chân và mệt nhưng đi học là con lại vui”, em Son kể.
Vừa kể chuyện em vừa lấy tay nghịch hờ đôi dép đã mòn đi phân nửa, đôi chân bạc đi vì bụi, bao ngày qua đã rảo bước vượt qua những con dốc hiểm trở kia để đến trường, chỉ để có niềm vui nho nhỏ từ con chữ.
Ngoài con chữ, thầy cô cũng ngày đêm gieo tình yêu thương đến những đưa trẻ vùng cao. (Ảnh: Duy Long) |
Nghe những lời kể mộc mạc từ em, chúng tôi đã hiểu được niềm động lực để các thầy, cô hàng ngày cõng chữ trên lưng, vượt qua những con dốc hiểm trở, dù ngày nắng hay mưa cho những đứa trẻ nghèo. Nụ cười thơ ngây, ánh mắt trong trẻo của học trò dường như xoa dịu những khó khăn, bộn bề của các thầy, cô giáo tại điểm trường còn nhiều thiếu thốn.