Nhóm ngân hàng đứng đầu về phát hành trái phiếu trong năm 2023
Trái phiếu ngân hàng hút khách
|
Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với 176.006 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tương đương 56,5% |
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VAMC), tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1%),).
Riêng tháng 12/2023 có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.
Đáng chú ý, có tới 44/55 đợt phát hành trái phiếu là của các ngân hàng thương mại. Tính chung cả năm 2023, trái phiếu do ngân hàng phát hành chiếm 56,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.
Ngày 14/12/2023, ngân hàng OCB phát hành thành công 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu mã OCBL2326015. Kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu ngân hàng này đã huy động là 17.350 tỷ đồng.
Theo nghị quyết về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ được công bố vào tháng 6/2023, OCB dự kiến phát hành tối đa 26.000 trái phiếu, chia làm 15 đợt trong quý II, III, IV/2023; Giá trị mỗi đợt từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng. Chào bán cho đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Mệnh giá tương ứng 1 tỷ đồng/trái phiếu, nếu thành công, OCB sẽ huy động được 26.000 tỷ đồng.
Ngày 12/12, ngân hàng VIB cũng phát hành 790 tỷ đồng lô trái phiếu mã VIBL2330005 với lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 7 năm, nâng tổng giá trị huy động từ trái phiếu của VIB lên 8.500 tỷ đồng kể từ đầu năm đến nay.
Mới đây, Agribank thông báo phát hành thành công ra công chúng năm 2023 là 10.000 tỷ đồng trái phiếu, thu hút tới 14.156 nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia.
HĐQT Vietcombank cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành tối đa 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 6 năm. Lãi suất thả nổi và sẽ được công bố cụ thể tại thời điểm phát hành.
Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng trái phiếu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo VBMA, năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 20%).
Số trái phiếu chậm trả lãi trong tháng 12/2023 đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545,7 tỷ đồng.
Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.