Trái phiếu ngân hàng hút khách
Sau một thời gian im ắng, mấy tháng trở lại đây, các ngân hàng lớn nhỏ liên tục công bố kế hoạch phát hành trái phiếu. Kỳ hạn trái phiếu chủ yếu 3 – 5 năm, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền.
ACB mở màn đầu tháng 5 khi công bố đã phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng trái phiếu cho hai công ty chứng khoán trong nước. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Lãi trái phiếu được trả định kỳ 1 năm với mức lãi suất 4%/năm.
Trong khi TPBank liên tục phát hành trái phiếu trong tháng 5 phổ biến tại kỳ hạn 3 năm mỗi đợt phát hành 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất dao động từ 3%-4,1%/năm.
Trong tháng 6 HDBank cũng vừa thông báo kết quả phát hành trái phiếu. Cụ thể, ngày 2/6/2021 ngân hàng đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm. Lãi suất trái phiếu áp dụng cho kỳ thanh toán lãi đầu tiên là 7,775%. Các kỳ thanh toán lãi tiếp theo, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng với 3,2%/năm. Đây cũng được xem là mức lãi suất cao nhất mà các ngân hàng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đầu năm đến nay.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5/2021, có 46 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 28.140 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỷ đồng; nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỷ đồng. Tính chung trong hai tháng 4 và 5/2021 các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng trái phiếu. Một số ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu được VBMA điểm danh như: VPBank phát hành 15 đợt với tổng quy mô huy động 8.900 tỷ đồng; TPBank cũng phát hành 6 đợt với 5.000 tỷ đồng; ACB chỉ phát hành 3 đợt nhưng quy mô cũng lên tới 5.000 tỷ đồng...
Đáng chú ý là lãi suất trái phiếu của các ngân hàng đưa ra khá thấp, nhưng các đợt phát hành đều thành công chỉ sau ít ngày phát hành. Lý giải sự thuận lợi cho các chủ thể phát hành ngân hàng, ông Trần Tánh – Phó phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, so với các nhóm ngành khác, có thể mức lãi suất của trái phiếu ngân hàng thấp hơn, nhưng lại được đánh giá là có độ an toàn hơn bởi hoạt động của các ngân hàng chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN nên các nhà đầu tư tin tưởng hơn khi mua trái phiếu ngân hàng phát hành.
Phân tích về hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng trong thời gian gần đây, một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là thời điểm nhiều ngân hàng rất cần vốn trung và dài hạn để cho vay trong giai đoạn tới sau khi đã được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Hơn nữa theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN, từ ngày 1/10 tới, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được dùng để cho vay trung dài hạn của các ngân hàng sẽ được giảm còn 37% thay vì mức 40% như hiện tại. Bởi vậy các ngân hàng cần phải củng cố nguồn vốn này.
Hơn nữa, nhiều ngân hàng vẫn cần tăng vốn cấp 2 để đáp ứng đầy đủ chuẩn Basel II và Basel III. Vì vậy, một số ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm để đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2. “Hiện thị trường cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì sức hấp dẫn nên các ngân hàng tận dụng thời cơ phát hành trái phiếu dài hạn tăng vốn cấp 2 đảm bảo an toàn vốn. Hơn thế, huy động trên thị trường 1 chi phí vốn cao hơn, kỳ hạn ngắn. Để đảm bảo thanh khoản, phát hành trái phiếu vẫn là lựa chọn tốt hơn”, ông Tánh chia sẻ thêm.
TS. Võ Trí Thành cũng đánh giá tích cực động thái tăng phát hành trái phiếu. Vì loại trái phiếu này giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngân hàng vì tại thời điểm này dịch bệnh có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản của ngân hàng do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, khả năng trả nợ suy giảm. “Khi chất lượng tài sản ngân hàng bị suy giảm sẽ tác động đến tỷ lệ an toàn vốn ngân hàng. Do đó ngân hàng cần phải bổ sung nguồn vốn cấp 2 bằng nhiều cách trong đó có phát hành trái phiếu với thời hạn dài”, TS. Thành cho hay.
Với diễn biến trên nhiều dự báo cho thấy, xu hướng phát hành trái phiếu của các ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh ở cả ngân hàng lớn nhỏ. Do vậy, nhiều khả năng lãi suất trái phiếu do các ngân hàng phát hành sẽ có xu hướng tăng nhẹ trong giai đoạn tới.