Những "nốt trầm" trong nghề báo
Liên tiếp “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Luật Báo chí 2016 quy định “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” (khoản 12, Điều 9). Mặc dù vậy, thực tế thời gian qua cho thấy có những sự việc nổi cộm. Trong quá trình tác nghiệp hoặc sau khi đã có sản phẩm báo chí, nhà báo và thậm chí người thân của nhà báo như vợ con, bố mẹ phải đứng trước nhiều sức ép, đối mặt với hiểm nguy thường trực.
Hàng loạt sự việc đau lòng về nhà báo đã, đang diễn ra khiến tất cả bức xúc và phải suy nghĩ. Gần đây nhất, ngay giữa lòng Thủ đô, một nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội triển khai máy để ghi hình việc mua bán quạt tích điện tại khu vực vỉa hè trước cửa hàng quạt điện số 19 Đông Các, khu vực Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội) thì một đối tượng đã xông ra yêu cầu không được quay phim, chụp ảnh. Mặc dù được giải thích khu vực tác nghiệp dưới lòng đường, ở nơi không có biển cấm quay phim, chụp hình nhưng một số đối tượng vẫn lớn tiếng quát mắng, hành hung phóng viên T.T.C gây thương tích nghiêm trọng, đồng nghiệp và người dân lập tức đưa phóng viên T.T.C nhập viện điều trị để bảo toàn sức khỏe, tính mạng.
Phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội bị nhóm đối tượng hành hung |
Tháng 5 vừa qua, một số sự việc tương tự cũng tạo nên sự bức xúc trong dư luận nói riêng, với những người làm báo nói chung. Cụ thể, trong khi tìm hiểu thực tế, xác minh phản ánh của người dân địa phương về việc nhiều diện tích rừng ở một xã của tỉnh Quảng Ngãi bị phá, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cùng một số đồng nghiệp đã bị một nhóm người của một tập đoàn chặn đường, lôi kéo, không cho di chuyển. Trong khi đó, nhà báo N.V.T (văn phòng đại diện của báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên) khi đi triển khai tuyến bài liên quan đến việc mua bán đất nông nghiệp trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bị một số đối tượng gọi điện đe dọa, uy hiếp tính mạng của anh và gia đình.
Trước đó không lâu, tháng 3/2023, nhóm phóng viên báo điện tử Dân Việt đang tác nghiệp tại Nhà máy giấy Thuận Phát (tỉnh Hòa Bình), một số đối tượng của cơ sở này đã tuyên bố: “Không cho phép người lạ quay phim, chụp ảnh trong phạm vi nhà máy”. Sau đó, một số đối tượng lao vào kéo đẩy, dùng những lời lẽ tục tĩu, chửi bới, đe dọa cả nhóm phóng viên. Các đối tượng đã bẻ tay, vít cổ phóng viên và giật máy quay phim ném đi, dù nhóm phóng viên hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích và quy định pháp luật.
Chưa có thống kê cụ thể, nhưng thời gian qua đã xuất hiện “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” mà những người làm báo là nhân vật trung tâm. Điển hình nhà báo L.T.Đ (báo Kinh tế & Đô thị) bị một đối tượng lạ gọi điện thoại, liên tục chửi bậy, thậm chí đối tượng nói đang tìm để giết nhà báo L.T.Đ và cả vợ con. Hành vi đe dọa, khủng bố tinh thần, uy hiếp nhà báo L.T.Đ đã gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của anh, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí.
Hoặc phóng viên N.D.T (Tạp chí Thương Trường) được sự phân công của tòa soạn đến làm việc với một doanh nghiệp tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Khi anh rời văn phòng công ty này, di chuyển bằng xe máy trên đường thì có một chiếc ô tô bám theo sau, áp sát làm anh ngã xuống đường. Ba người trên ô tô nhảy xuống đấm đá phóng viên N.D.T rồi bỏ đi. Hậu quả, phóng viên N.D.T bị thương tích phần mềm và hoang mang về tâm lý.
Để không còn hiểm nguy rình rập
Từ gần một thế kỷ đã qua, báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu, bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Đặc biệt, báo chí là tai mắt của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Không chỉ phát hiện, đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, báo chí còn góp phần khôi phục niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực mới để đất nước đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, an ninh quốc phòng, giáo dục...
Phóng viên báo chí tác nghiệp trong thời điểm căng thẳng của dịch Covid-19 |
Song thực tế có thể thấy, trong hoạt động báo chí tại Việt Nam đã liên tục xảy ra việc các đối tượng côn đồ manh động có hành vi đe dọa, thậm chí hành hung, tấn công các nhà báo/phóng viên khi tác nghiệp, đưa tin phản ánh các vụ việc trong đời sống xã hội, khiến cho hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo/phóng viên bị ảnh hưởng, thậm chí sức khỏe, tính mạng cũng bị đe dọa. Bởi vậy, dù trong hoàn cảnh nào, nhà báo rất cần một điểm tựa vững vàng để họ yên tâm tác nghiệp. Nếu việc hành hung, gây áp lực, thậm chí đe dọa, vu khống nhà báo không được ngăn chặn kịp thời, triệt để, sẽ làm tổn thương tinh thần không chỉ với cá nhân nhà báo, mà với cả gia đình và người thân của họ.
Nghề báo được xem là nghề vinh quang, nghề có sức ảnh hưởng đến công chúng, nhưng cũng là nghề nhọc nhằn và không ít nguy hiểm. Để bảo vệ mình, các nhà báo/phóng viên trước hết cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nắm vững pháp luật cũng như quy định đạo đức người làm báo. Trên hết mỗi nhà báo/ phóng viên cần luôn thẳng thắn, công tâm, dũng cảm, bảo vệ người yếu thế, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội… để tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, tạo ra nhiều hệ giá trị đối với cộng đồng.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, xu hướng các vụ việc hiện nay ngày càng nghiêm trọng, bởi vậy ngoài việc mỗi nhà báo, phóng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm phòng bị, xử lý các tình huống nhất định, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ. Thực tế, phản ứng trước các sự việc kể trên, chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan, Hội Nhà báo Việt Nam đều có hành động cụ thể để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của các nhà báo, đã điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật mà cụ thể ở đây là hành hung, cản trở quá trình tác nghiệp, khủng bố tinh thần các nhà báo.
Trong khi đó, luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công lý, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhấn mạnh, cần có chế tài xử lý đối với những hành vi cản trở, né tránh báo chí. Luật sư Lê Văn Kiên cho rằng, dù quyền của nhà báo/phóng viên đã được quy định tại Luật Báo chí hiện hành, nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có cơ chế thực thi một cách sâu rộng và mạnh mẽ để đảm bảo cho phóng viên tác nghiệp. Chưa kể, trong quá trình tác nghiệp của mình, phóng viên gặp phải nhiều rào cản là các quy định của địa phương, của ngành. Nhiều khi, nếu không có những quan hệ riêng thì phóng viên khó có thể tiếp cận được thông tin cần thiết.
“Tôi cho rằng, để bảo vệ mình, trước hết phóng viên phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của chính mình. Khi bị đe dọa ngay lập tức phải báo cáo cơ quan chủ quản và Công an địa phương nơi mình làm việc hoặc cư trú. Khi có tình trạng phóng viên bị tấn công thì các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chủ quản của phóng viên, Cục Báo chí phải kiên quyết đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa thủ phạm ra xử lý trước pháp luật, tránh tình trạng xử lý không triệt để như thực tế hiện nay”, luật sư Lê Văn Kiên chia sẻ. Cùng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), từ trước đến nay rất ít trường hợp bị xử lý dẫn đến việc nhà báo không được bảo vệ đầy đủ theo tinh thần của Điều 15 Luật Báo chí. Cần phải tăng cường xử lý các vụ việc hành hung nhà báo để thể hiện tính răn đe của pháp luật và thực thi các quy định pháp luật bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp hiệu quả hơn.
Vinh quang và vất vả luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề, những người làm báo đều luôn tâm niệm phải “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp. Và, dù đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu, những người làm báo chân chính sẽ vẫn đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nên một Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ngày một phát triển và hùng cường.