Nới rộng đà giảm trong phiên chiều, VN-Index mất mốc 1.050 điểm
Diễn biến cân bằng vẫn được ghi nhận trong suốt phiên giao dịch sáng với số lượng mã tăng và mã giảm gần như tương đồng. Sự phân hóa tiếp tục được thể hiện rõ ràng khi lực cầu chủ yếu tìm đến một vài nhóm ngành riêng lẻ. Trong đó, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng gần 3% với nhiều cổ phiếu tăng xấp xỉ mức trần như PET, DGW, FRT.
Từ gần cuối phiên sáng, VN-Index tỏ ra hụt hơi trong những nỗ lực phục hồi khi thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng trở lại khiến chỉ số chung đảo chiều giảm điểm.
Một số chuyên gia chứng khoán thì cho biết, VN-Index có nhịp tăng nhẹ ngay khi mở cửa, nhưng sự phân hóa mạnh ở hầu hết các nhóm ngành đã khiến chỉ số không thể duy trì được sắc xanh đến hết phiên. Các mã vốn hóa lớn như SAB, VCB, MWG, MSN, EIB... hồi phục đã hỗ trợ tích cực cho chỉ số. Trong khi đó, VPB, GAS, VNM, CTG, VHM... lại tạo áp lực lên thị trường chung.
Tới phiên chiều, lực bán được đẩy nhanh với phần lớn các nhóm ngành, kéo chỉ số giảm nhanh chóng. Nhóm VN30 ghi nhận tới 25 mã giảm, trong đó 6 mã giảm trên 2%. Các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, thép hay đầu tư công đều không tránh được lực bán mạnh, chỉ còn nhóm bán lẻ vẫn duy trì được sắc xanh...
Cùng chung tâm lý với thị trường, khối ngoại vẫn giữ sự thận trọng khi bán ròng xuyên suốt phiên với thanh khoản lớn 491 tỷ đồng, tập trung bán MSB, STB, SHB.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,04 điểm tương đương với 0,57% xuống 1.048,98 điểm, giá trị giao dịch đạt 9.724,86 tỷ đồng. Tương tự, HNX-Index đóng cửa tại 205,85 điểm, giảm 2,4 điểm.
Về góc nhìn kỹ thuật, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index kết phiên tạo nến đỏ giảm điểm xóa đi nỗ lực phục hồi của 2 phiên trước đó. Xét về khung đồ thị giờ, tuy chỉ số chung diễn biến không mấy tích cực nhưng 2 chỉ báo MACD và RSI đã tạo đáy đầu tiên nên thị trường vẫn có xác suất tạo phân kỳ dương đảo chiều tăng điểm trở lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp lực cầu không xuất hiện trở lại khiến VN-Index giảm dưới 1.045 điểm thì rủi ro thị trường tiếp tục quán tính đi xuống sẽ là khá lớn.
“Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm, thủng hỗ trợ 1.050 với volume thấp cho thấy lực bán chưa phải quá mạnh và trạng thái giảm chủ yếu do tâm lý chờ đợi giá tốt hơn của nhóm nhà đầu tư lớn. Cầu mua có khả năng xuất hiện trở lại ở vùng 1.040 điểm, tương ứng ngưỡng hỗ trợ của biên dưới mô hình đi ngang kéo dài từ tháng 12 năm ngoái”, một chuyên gia cho hay.
Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cho biết ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 19/4/2023 tương ứng với diễn biến giá giảm mạnh. Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index duy trì ghi nhận diễn biến suy yếu trước áp lực điều chỉnh đang có chiều hướng gia tăng đồng thời đang chờ đợi kịch bản kiểm định hỗ trợ trung hạn 1.055 điểm. Mặt khác, nếu ngưỡng hỗ trợ này là không đủ mạnh trước áp lực điều chỉnh và không đủ hấp dẫn để thu hút dòng tiền tham gia tích cực trở lại, chỉ số VN-Index có thể tìm về lại ngưỡng hỗ trợ 1.015 điểm.