Nơi tín dụng bắt nhịp xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực này góp phần kiến tạo bộ mặt mới trong đời sống kinh tế với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong tỉnh và được Trung ương đánh giá là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới.
Khơi sáng những miền quê
Giữa cái nắng mỏng manh vấn vít hơi sương những ngày đầu xuân, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định hiện ra như một bức tranh với những con đường hoa mười giờ uốn lượn thành chiếc khăn hoa phất phơ giữa cánh đồng xanh mướt. Từng là một một xã có tỷ lệ nhà dột nát cao, thu nhập thấp do đất trồng lúa kém hiệu quả, song Hải Quang lại sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2015 với trợ lực từ dòng vốn NHCSXH, giúp người dân xã vươn lên chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang nuôi cá và trồng cây dược liệu, rồi xóa nhà tạm, có nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường. Và từ đó đến nay, đây tiếp tục là động lực giúp Hải Quang vươn lên trở thành một trong 3 xã đầu tiên của huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019. Trong đó, điều mà chính quyền xã cũng như NHCSXH đặt trọng tâm trong công tác triển khai tín dụng chính là tạo sinh kế vững bền cho người dân, hướng tới những hàng hóa giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập và mức sống.
Gia đình bà Lâm Thị Huệ ở xóm 7, xã Hải Quang vay vốn chính sách trồng cây đinh lăng |
Như gia đình ông bà Lâm Thị Huệ và Bùi Văn Sáng, đã trải qua trồng lúa rồi nuôi lợn, kinh tế gia đình dù không quá ngặt nghèo, nhưng chuyện có nguồn thu nhập tốt để thoát nghèo bền vững là chuyện không thể. Cho đến năm 2016, ông bà được vay vốn hộ cận nghèo 50 triệu để chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng 2,5ha cây đinh lăng và nuôi cá. Bà Huệ kể, cây đinh lăng bán được từ lá đến củ. Một năm tỉa 4-5 lần lá thu được 8 triệu đồng/lần. Mỗi mẫu tỉa được 1 tấn cành/năm, giờ là 17.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 22.000 đồng/kg, tính ra mỗi năm cũng thu về 70-80 triệu đồng. Ao cá mới đầu tư song mỗi năm cũng mang về cho ông bà lãi ròng 30 triệu đồng. Chừng đó cũng đủ để cho hai ông bà có cuộc sống dư dả.
21 tỷ đồng dư nợ cho vay các hộ dân từ NHCSXH đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đã được lên mức 45 triệu đồng năm 2019; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 0,43%. Đến nay, trên địa bàn xã có 100% số cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Các chương trình tín dụng của NHCSXH không chỉ hỗ trợ người dân vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo, mà còn lan tỏa giá trị trong cộng đồng. Như gia đình ông Đỗ Văn Luyến, xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định, sau khá nhiều bôn ba ngoại tỉnh, năm 1990 ông trở về quê lập xưởng làm gỗ mỹ nghệ. Song vì nguồn vốn hữu hạn nên hơn 10 năm sau, xưởng vẫn chỉ là tranh tre dựng tạm bợ. Để có thể mở rộng quy mô, gây niềm tin cho khách hàng, năm 2011, ông Luyến mạnh dạn đi vay các NHTM nhưng không hề dễ dàng bởi tài sản thế chấp chẳng đáng là bao. Tuy nhiên sau đó, lần tiếp xúc tình cờ với Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Anh, nay là Phó chủ tịch xã Vũ Thị Thu đã trở thành bước ngoặt cho sự phát triển cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Quang Luyến. Với món vay vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng từ NHCSXH, ông Luyến đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng. Thêm một vòng vốn 300 triệu đồng năm 2017, ông đã đầu tư máy công nghệ cao đục hoa văn nâng quy mô sản xuất. Hiện nhà xưởng của ông đã mở lên 400m2, 50 công nhân làm việc thường xuyên với lương trung bình 6,5 triệu đồng/tháng, lương nghệ nhân 11- 12 triệu đồng/tháng. Sản phẩm gỗ của gia đình ông đã có mặt tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Thanh hóa Nghệ An với doanh thu 6-7 tỷ đồng/năm.
Biến lợi thế thành giá trị
Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định Trần Duy Hưng cho biết, xuất phát từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là bài toán khá nan giải của địa phương khi mới bắt đầu thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi chính quyền các cấp phải huy động từ nhiều nguồn lực và tín dụng chính sách được coi là một trong những kênh quan trọng. Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành nhiều sự quan tâm đối với nguồn vốn này. Đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, ngân sách các cấp đã bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ủy thác qua NHCSXH 21,8 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách nhận ủy thác của địa phương đến 30/9/2019 đạt 26,8 tỷ đồng.
Nhìn lại từ năm 2010 đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Nam Định đã giải ngân cho 348.106 lượt khách hàng với số tiền 7.395,6 tỷ đồng. Trong đó: tại 209 xã thuộc xã xây dựng nông thôn mới, NHCSXH đã giải ngân cho 339 nghìn lượt hộ với số tiền 7.173 tỷ đồng. Bên cạnh đó để đảm bảo quyền lợi cho các hộ vay, NHCSXH đã thực hiện xóa nợ cho các hộ vay vốn gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan với số tiền gốc 4,4 tỷ đồng. Đến 30/9/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 3.023,3 tỷ đồng với 104.120 hộ vay.
Trong 10 năm qua, nguồn vốn vay của NHCSXH đã giúp 30.106 hộ thoát nghèo, 8.662 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 17.693 lao động; cho vay 420 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 4.055 căn nhà cho hộ nghèo và 49 căn nhà cho người có thu nhập thấp. NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 52.119 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập thực hiện tốt mục tiêu của Chính phủ không để một học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.
Nguồn vốn tín dụng này đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, từ đó các mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu tại các địa phương được hình thành như: Mô hình nuôi cá bống bớp với diện tích 370 ha, mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú với diện tích 27,5 ha tại huyện Nghĩa Hưng, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô 350 ha tại huyện Trực Ninh...
10 chương trình tín dụng chính sách được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh góp phần thực hiện các tiêu chí về giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm cả về số lượng và tỷ lệ. Nếu như năm 2011 số hộ nghèo là 54.646 hộ, tỷ lệ 9,95% thì đến năm 2019 số hộ nghèo còn chỉ còn 13.106 hộ, tỷ lệ 2,15%.
Chia sẻ về định hướng xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Nam Định, Nguyễn Phùng Hoan cho biết: “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 10 mô hình nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã, thôn; huyện Hải Hậu cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao”.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định Trần Duy Hưng cũng cho biết, cùng với việc làm tốt công tác giải ngân vốn tín dụng hiệu quả trong thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 40, để đa dạng hóa không chỉ nguồn lực tín dụng mà hơn thế, có thêm nhiều các chương trình dự án hỗ trợ hộ nghèo và đối tượng chính sách tiến nhanh hơn trên con đường phát triển nông thôn mới nâng cao của tỉnh Nam Định.