OECD: Tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2023
Ngày 26/4 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Lễ công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”. Đây là báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam do OECD và ADB thực hiện.
Theo ông Vincent Koen, Phó vụ trưởng, Tổ chức OECD, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện các giải pháp nhanh chóng, linh hoạt để thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế và đã đạt được những kết quả mà rất ít quốc gia có thể đạt được.
Dù đưa ra những dự báo tích cực cho năm nay và năm tới nhưng ông Vincent Koen cũng lưu ý, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay còn nhiều bất ổn và thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những “cơn gió ngược” đã quan sát được với nhiều rủi ro và nguy cơ. Và những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng… có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Ông Vincent Koen, Phó vụ trưởng, Tổ chức OECD. |
Các thông điệp chính được Báo cáo đưa ra gồm: Thứ nhất, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa. Trong trung hạn, cần củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức.
Thứ hai, để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Việc khơi dậy sức sống và tinh thần doanh nhân đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực theo hướng tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của các quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả giữa doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị tư nhân.
Thứ ba, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Định hướng này có thể được hiện thực hóa thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi và tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng carbon.
Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua, sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới. Môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng tương đối ổn định hơn so với khu vực và cả trên bình diện thế giới. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh các nỗ lực cải cách gắn với chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phục hồi xanh gắn với kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. |
“Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023 là một tài liệu quan trọng, lần đầu tiên OECD thực hiện cho Việt Nam với những đánh giá khoa học, khách quan và có tính xây dựng. Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.