Phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là trụ cột quan trọng của nền kinh tế |
Lạc quan trong khó khăn chung
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội trong 10 tháng đầu năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng “4 thấp”, đó là tăng trưởng thấp, thương mại - đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp. Điều này có thể dẫn đến trì trệ kéo dài và sẽ chuyển sang suy thoái.
Tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực, thể hiện ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá. Trong khi khu vực công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh (IIP tăng 9,5%); ngành chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện tăng mạnh; đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng trưởng âm.
Bên cạnh đó, thị trường thương mại ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao 11,8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá 7,4%; đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển tốt; vốn FDI thực hiện cao nhất cùng kỳ các năm từ trước đến nay. Đặc biệt số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý tăng trưởng kinh tế có được trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát và giữ ở mức thấp.
Mặc dù vậy, tình hình tháng 10 và 10 tháng cũng nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế do dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2019; đồng thời nhiều mặt hàng nông sản giá xuống thấp; xuất khẩu nông sản tăng về sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm.
Chỉ số IIP 10 tháng tăng thấp hơn mức cùng kỳ năm 2018, cho thấy động lực tăng trưởng này có dấu hiệu giảm tốc. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng của 10 tháng đầu năm nay thấp hơn mức tăng 21,8% của 10 tháng năm 2017 và 15,3% của 10 tháng năm 2018, cũng cho thấy dấu hiệu giảm tốc dần.
Bên cạnh đó, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019. Một vấn đề khác phải lưu ý và thúc đẩy trong thời gian tới là tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm 15,2% so với cùng kỳ...
Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao. Quan trọng là chúng ta cần phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn nữa; điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới; tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải được vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt.
Đồng thời, cần sớm xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của kinh tế thế giới có thể xảy ra, không để bị động bất ngờ; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường.
Lao động nước ngoài phải theo đường hợp pháp
Trước hàng loạt câu hỏi xung quanh vụ việc 39 người thiệt mạng tại Anh, Chính phủ khẳng định đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ tội phạm loại này, kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời rất mong người dân nâng cao nhận thức để không bị dụ dỗ tham gia.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, loại hình tội phạm buôn bán người, di cư bất hợp pháp khác hoàn toàn với việc chúng ta đang tiến hành tổ chức cho lao động đi làm việc ở nước ngoài theo luật. Tất cả các quốc gia mà chúng ta đưa người Việt Nam đi lao động đều có bản hiệp định lao động và bản ghi nhớ về lao động giữa hai quốc gia.
Ông Dung thông tin thêm, hiện có 5 hình thức đưa người đi hợp pháp. Thứ nhất là đi qua các doanh nghiệp do bộ cấp phép.
Thứ hai là đi theo diện hợp tác giữa các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty giữa hai nước.
Thứ ba là đi theo diện cá nhân, theo đó lao động trực tiếp tới tổ chức ở nước ngoài nhưng đi qua Sở Lao động và cơ quan quản lý ở nước ngoài.
Thứ tư là hợp tác đào tạo liên kết giữa hai bên được cấp phép.
Thứ năm, gần đây Chính phủ cho phép hình thức trao đổi công việc và lao động hợp tác giữa các địa phương trong thời gian ngắn hạn, chẳng hạn giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc lao động đi du lịch rồi làm thêm tại CH Séc.
Với 5 loại hình đó, hiện nay chúng ta có khoảng gần 400 DN được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Và 3 năm qua mỗi năm Việt Nam đưa khoảng trên 100.000 lao động đi các nước; trong đó năm 2018 cao nhất với 143.000 người, chủ yếu ở 4 địa bàn Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia. Riêng châu Âu đã ký hợp tác với hai quốc gia là Rumani và Đức.
Bộ trưởng cũng khuyến cáo nhân dân, nhất là thanh thiếu niên có nhu cầu đi lao động nước ngoài cần chú ý 3 điều. Thứ nhất là đi theo đường hợp pháp, phải thông qua cơ quan được cấp phép; ở các nước sở tại phải ký giấy phép, được bảo hộ công dân, mức lương trên cơ sở thỏa thuận. Thứ hai, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả website đều công khai danh sách, tên tuổi tất cả các đơn vị được cấp phép. Thứ ba, tuyệt đối không đi theo con đường bất hợp pháp và các DN, đơn vị không được cấp phép.