Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7% trong năm 2022
Bám sát thực tiễn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành | |
Tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72% |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng GRDP trên 6%
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tiếp nối đà phục hồi và phát triển của những tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng tiếp tục khởi sắc, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực. Tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay.
GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản theo Nghị quyết 01 (là từ 5,1-5,7%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,74%) và tương đương mức bình quân các năm trước dịch từ năm 2016-2019 (6,38%). Các ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng, kinh tế đang phục hồi toàn diện.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định, nhiều lĩnh vực phục hồi nhanh. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương động lực đã đạt mức tăng trưởng GRDP cao như: Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24,0%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%), Quảng Nam (12,8%), Khánh Hòa (12,58%), Hải Dương (11,82%), Hải Phòng (11,1%), Quảng Ninh (10,66%), Vĩnh Phúc (10,1%), Đà Nẵng (7,23%), Đồng Nai (7,06%), Bình Dương (6,84%)… Có 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6% cho thấy sự tăng trưởng đồng đều ở các khu vực và địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được sẽ càng rõ nét nếu so sánh với tình hình thế giới, nhấn mạnh việc GDP của Việt Nam tăng cao trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn.
Mặt bằng lãi suất cho vay cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 0,12% so với năm trước. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nhiều nước đều đánh giá lạm phát vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm phải rất đồng bộ, xác định rõ mục tiêu ưu tiên rõ ràng, làm tốt công tác truyền thông về vấn đề này.
Thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phấn đấu tăng trưởng cao hơn
Về ban hành, triển khai các chính sách hỗ trợ tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạc và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau hơn 5 tháng triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tiến độ đề ra; ban hành gần như đầy đủ các văn bản để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết. Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01/NQ-CP trong quý II cơ bản đáp ứng yêu cầu, hoàn thành 72,6% số nhiệm vụ được giao.
Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi nhiều chính sách mới nhưng đã được đánh giá tác động đầy đủ và trình ban hành theo đúng quy định thời gian ngắn. Một số nội dung có tính chất phức tạp, liên quan đến việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình của nhiều bộ, cơ quan, địa phương đang được gấp rút xây dựng, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hầu hết đạt kết quả tốt, đạt trên 48 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các chính sách do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện đạt 8.888 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng; miễn giảm thuế VAT, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, thực hiện cho vay tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP là 57,37 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện đã nhanh chóng được điều chỉnh để tạo thuận lợi trong triển khai, thực hiện.
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bộ Bộ Kế hoạc và Đầu tư cũng cho hay, tình hình xây dựng một số văn bản thực hiện chưa bảo đảm tiến độ, việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã ban hành còn chậm, đạt kết quả thấp, chưa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp kịp thời, ảnh hưởng hiệu quả Chương trình. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về lạm phát, nhất là giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải tăng cao; Giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc, bất cập; các rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ…
Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Đánh giá nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, Thủ tướng nêu rõ, tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững.
“Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng; ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Các ý kiến tại Hội nghị cũng thống nhất với phương án, kịch bản tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 7% trong năm nay. Trước đó trong báo cáo của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7,0%, cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, bảo đảm ổn định tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cố gắng giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.
Ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công…, tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng dầu. Nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng.
Bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; báo cáo cấp có thẩm quyền Đề án đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Quản lý chặt chẽ giá cả, phòng chống đầu cơ, tích trữ găm hàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, quy hoạch, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khẩn trương hoàn thiện Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết về phát triển vùng và các dự án giao thông trọng điểm. Khẩn trương xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển; danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển trong lĩnh vực y tế.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước…