Phát triển 5G là tất yếu
Mạng 5G hứa hẹn không chỉ có tốc độ internet nhanh hơn trên các thiết bị di động, mà còn mang lại nhiều tiện ích cho đời sống hàng ngày. Cho đến thời điểm này, 5G đang được ứng dụng nhiều trong thực tế ảo với trò chơi và ứng dụng tương tác khác của VR (thực tế ảo).
Ý kiến của các chuyên gia đều khẳng định, 5G là công nghệ phù hợp cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bởi nó có tốc độ truyền siêu tốc và độ trễ rất thấp, có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong điều khiển các thiết bị IoT. Vì vậy, các nhà mạng phải tận dụng cơ hội này và Việt Nam đã chủ động bước lên "chuyến tàu" 5G một cách mạnh mẽ.
Tăng cường phát triển thêm nhiều trạm phát sóng 5G |
Hiện cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G tại Hà Nội và TP. HCM. Cũng vì tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&-TT), năm 2019, VNPT, Viettel, MobiFone đã có thử nghiệm về công nghệ; còn năm 2020 đã thử nghiệm cả về kỹ thuật và thương mại, mở ra cơ hội lớn để sản xuất các thiết bị, phát triển các phần mềm cho 5G, đồng thời xây dựng hệ sinh thái sử dụng 5G. Tất cả các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam thấy đủ khả năng về kinh tế, kỹ thuật, tài chính đều có thể đăng ký tham gia đấu giá băng tần 5G. Đặc biệt, ngày 17/1/2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, đã thực hiện thành công. Sự kiện ghi nhận rằng, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G - một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng. Đây thực sự là điều kiện cần, tiên quyết để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh và hiệu quả tại Việt Nam.
Song, cũng cần tính đến thời điểm triển khai 5G phù hợp. Vì nếu triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, thành người đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội. Nếu triển khai quá sớm, sẽ gây tốn kém lớn cho hạ tầng đầu tư của doanh nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nêu quan điểm.
Ông Tô Mạnh Cường, Tổng Giám đốc MobiFone nhấn mạnh, nhu cầu dịch vụ 5G khác với những dịch vụ như 2G vì nó phục vụ cho những dịch vụ cần có tốc độ cao và độ trễ thấp. Vì vậy, việc triển khai 5G hoàn toàn phụ thuộc nhu cầu của thị trường. Hiện 5G mới được triển khai ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, nơi có nhu cầu về tốc độ cao, mật độ số người sử dụng lớn; hoặc tại các khu công nghiệp có đầu tư nước ngoài có nhu cầu thiết kế, vận hành, xây lắp các nhà máy thông minh, hoàn toàn do máy móc vận hành.
Bộ TT&TT đã phát động phong trào “Make in Vietnam”, mang lại cơ hội, trao quyền độc lập tự chủ về công nghệ, không phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài. Giờ là lúc các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thể hiện bản lĩnh – trí tuệ của mình để cho ra đời nhiều phát minh, sáng chế “Make in Vietnam”.
Đại diện Tổng công ty Mạng lưới Viettel cho rằng, phải tới 2023 - 2025 thì 5G mới phổ biến được như 4G. Vì độ phủ của 5G vẫn còn rất hẹp, cần xây dựng thêm nhiều trạm phát sóng nữa để đảm bảo kết nối. Số liệu quy hoạch của Viettel cho hay, dự kiến vào năm 2021 sẽ có khoảng 1,5 - 2 triệu thuê bao 5G trên cả nước.
Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, chứ không phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Sự phát triển của 5G không chỉ là thành công của ngành viễn thông, mà còn là chìa khóa mở ra những bước tiến đột phá trong nhiều lĩnh vực khác như AI, Robotics, Smartcity, xe tự lái, phẫu thuật từ xa... Nhu cầu phát triển 5G là có thật, dù hiện tại tập khách hàng chưa nhiều.