Phát triển bền vững cho tất cả mọi người
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU bên lề Hội nghị cấp cao Kỷ niệm ASEAN-EU với chủ đề: "Tăng cường thương mại ASEAN-EU: Phát triển bền vững cho tất cả mọi người", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các nước. Bởi, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đồng thời biến đổi khí hậu tác động tới mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp; và người dân, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các chính sách này. Doanh nghiệp phải có nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh, nhân lực xanh. Các nước phát triển phải giúp đỡ các nước đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế, bảo đảm công bằng, công lý với các nước nghèo, các nước đang phát triển nhưng phải gánh vác trách nhiệm như các nước phát triển trong ứng phó biến đổi khí hậu...
Nhất quán từ chủ trương đến hành động
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam là một trong những quốc gia có những cam kết mạnh mẽ về môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cam kết tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Với cam kết đạt mức “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050, Việt Nam nghiêm túc đặt vấn đề chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế trong tương lai mà Việt Nam lựa chọn. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính xu thế thời đại, hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.
“Lĩnh vực kinh tế và môi trường ngày càng có sự giao thoa sâu sắc, biến đổi khí hậu cùng những vấn đề cấp bách về môi trường và sức khỏe con người đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường quốc tế đặt ra, Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, “tính xanh” trong sản xuất, thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, thời gian qua các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong nước cũng đã nhanh chóng hoạch định cho doanh nghiệp mình hướng đi để đáp ứng đúng mục tiêu tăng trưởng, phát triển xanh. Đơn cử, VinFast đã tung ra mẫu xe ô tô điện - thương hiệu ô tô điện đầu tiên được sản xuất trong nước. Dự kiến thời gian sắp tới, một loạt sản phẩm xe điện “made in Việt Nam” sẽ được đưa ra thị trường. Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, trên cơ sở triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và một số doanh nghiệp đã cho ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như hybrid, xe máy điện, ô tô điện, tiến tới là xe tự lái…
Không riêng gì Vinfast, hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đang nỗ lực, chung tay đưa nền kinh tế nước nhà "cất cánh" cùng với Chiến lược tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ hoạch định trở thành chiến lược phát triển quốc gia trong thời gian tới, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh toàn cầu. Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex cho biết, nhằm hưởng ứng cam kết của Chính phủ tại COP26, đồng thời, thực thi các chỉ đạo của Chính phủ về tăng trưởng xanh, Petrolimex tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất xanh, sạch vì mục tiêu phát triển bền vững. Tập đoàn nghiên cứu chương trình phát triển nhiên liệu hydro đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Petrolimex cũng đang triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc tập đoàn. Trước đó, Petrolimex đã triển khai đưa mặt hàng dầu diesel tiêu chuẩn Euro 5 ra thị trường cả nước, thay thế toàn bộ sản phẩm xăng khoáng RON 92 bằng xăng sinh học E5 trước thời hạn quy định, góp phần thúc đẩy khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham đánh giá, hiện nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam cũng đã chú trọng đến vấn đề tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng là mối quan tâm chung của Ủy ban châu Âu (EC) và EU. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết; và cũng là một trong số các quốc gia được dự đoán sẽ có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, đi cùng với tăng trưởng kinh tế thì bất cứ quốc gia nào cũng đối mặt với vấn đề về rác thải thựa, ô nhiễm không khí, tăng phát thải khí nhà kính. Do đó vấn đề cấp bách là đẩy nhanh tiến trình thực hiện chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh.
Hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các quốc gia
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực nhằm hiện thực hóa cam kết này. Song tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra rất nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần tích cực trao đổi và hợp tác với các nước và các đối tác quốc tế khác, trên cơ sở công bằng, công lý, bình đẳng, cùng có lợi, để vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam. JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới, gồm: Đẩy sớm thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030; giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm vào năm 2030; giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30,2 GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37 GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại. Thực hiện thành công bốn mục tiêu trên sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn khí nhà kính từ giờ đến năm 2035. Nhóm đối tác quốc tế cam kết huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong 3-5 năm để hỗ trợ Việt Nam đạt “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050…
Các hoạt động để giảm phát thải khí carbon, tăng trưởng bền vững là những vấn đề quan trọng trên toàn thế giới. Nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều mối nguy có thể đe dọa và tác động tiêu cực đến môi trường, khí hậu thì việc làm thế nào để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và EU sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, thông qua mô hình sản xuất hiệu quả hơn, không gây hại cho môi trường.
WB nhận định, mục tiêu vươn lên nước có thu nhập trung bình cao trong giai đoạn biến đổi khí hậu là thách thức rất lớn cho Việt Nam, nhưng nếu không hành động, chi phí còn lớn hơn rất nhiều. Tổn thất liên quan biến đổi khí hậu có thể chiếm 15% GDP nếu không có những đầu tư lớn. Mặc dù trước mắt, Việt Nam không đóng góp nhiều phát thải carbon, nhưng hai thập kỷ qua đang nổi lên là nơi có tốc độ tăng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Lượng CO2 trên mỗi USD xuất khẩu của Việt Nam đã vượt xa những nước lân cận, làm giảm tính cạnh tranh. Đầu tư công sẽ đóng vai trò trụ cột, nhưng cũng cần cải thiện chính sách để thu hút dòng vốn tư nhân; cùng với đó, cần có thêm cải cách lĩnh vực tài chính để chuyển dòng tiết kiệm dồi dào sang đầu tư xanh. Có như vậy, nền kinh tế lấy cốt lõi tăng trưởng xanh là động lực phát triển mới thực sự phát huy hiệu quả.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề với 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm: ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế. Hỗ trợ quốc tế: vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh. Nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Nguồn vốn cộng đồng và xã hội khác như vốn huy động công - tư cho các dự án xanh… |