Phát triển chuỗi nông sản để xây dựng thực phẩm sạch
Theo bà Lan, để phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, Sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Mục đích của việc phối hợp nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh. Thực phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế/ giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
TP. Hồ Chí Minh phát triển chuỗi nông sản, truy xuất nguồn gốc để xây dựng thực phẩm sạch |
Triển khai Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đến nay, Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp giấy chứng nhận cho 332 trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn với sản lượng rau, trái cây: 348.979,17 tấn; thịt các loại: 801.684,8 tấn; trứng gia cầm: 2.576.709.728 quả…
Song song đó, triển khai đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc” thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm, Sở đã tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ khi con heo được xuất bán tại 3.403 trang trại từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, được vận chuyển đến 116 cơ sở giết mổ từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉn; đơn vị đã kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm từ giai đoạn gà giống 65 trang trại tại thành phố và các tỉnh, 813 trang trại gà lấy thịt, 32 cơ sở giết mổ từ thành phố và các tỉnh.
Ngoài ra, Sở cũng triển khai Dự án thí điểm mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại 232 chợ đang hoạt động (trong đó bao gồm 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức), 47 Trung tâm thương mại, 209 siêu thị và trên 2.360 cửa hàng tiện ích phân phối thực phẩm cho người dân thành phố.
Sở An toàn thực phẩm tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra thông qua việc triển khai mô hình các Đội quản lý An toàn thực phẩm tại chợ đầu mối và tuyến quận - huyện. Phòng, chống ngộ độc thực phẩm thông qua việc tăng cường giám sát chất lượng, triển khai các kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, suất ăn sẵn cho trường học, bệnh viện, công ty, thức ăn đường phố, lễ hội, sự kiện.
Bà Lan cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các nhóm sản phẩm nguy cơ cao nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đảm bảo an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kết quả đã thanh tra, kiểm tra 40.418 cơ sở, phát hiện 1.152 cơ sở vi phạm, xử phạt 407 cơ sở, phạt tiền 350 cơ sở với tổng số tiền 2.924.658.000 đồng, tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện phát triển xây dựng chuỗi nông sản, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo an toàn thực phẩm kịp thời đối với người tiêu dung”, bà Lan cho biết.