Phát triển giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Đông Nam bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là động lực quan trọng của cả nước, “cửa ngõ” kinh tế và cầu nối của Việt Nam ra thế giới. Các tỉnh vùng Đông Nam bộ có đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Theo các chuyên gia kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi đóng góp hơn 45% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước nhưng hiện đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Một trong nguyên nhân chính được chỉ ra là do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu kết nối vùng. Trong đó, các đường cao tốc, vành đai... còn ít, gây nhiều điểm nghẽn.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang dần hoàn thiện |
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam bộ, bao gồm cả đường bộ với hàng loạt tuyến cao tốc đã và đang được triển khai, đường hàng không, đường sắt, đường thủy, chú trọng hệ thống cảng nước sâu để đưa hàng hóa ra thị trường thế giới. Nhờ đó, các tỉnh vùng kinh tế Đông Nam bộ đã có thể đầu tư và tính toán đến những dự án giao thông kết nối.
Nhiều dự án trọng điểm mới được đầu tư và có kế hoạch thực hiện thời gian sắp tới, mở ra cơ hội cho kết nối vùng, như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, đường Vành đai 3, các cây cầu lớn, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành…
Trong đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57 km là tuyến đường đi qua Long An, TP.HCM và Đồng Nai, tổng đầu tư 31.300 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD), đây là công trình trọng điểm quốc gia, nối miền Tây với Đông Nam bộ không qua nội đô TP.HCM; giúp kết nối mạng lưới cao tốc, quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành. Công trình cũng được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc trên quốc lộ 1, 51 và rút ngắn thời gian từ tỉnh Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo đà phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do vướng mắc về vốn và giải phóng mặt bằng nên tiếp tục lùi kế hoạch hoàn thành đến cuối năm 2023. Hiện, dự án đạt hơn 80% khối lượng.
Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường Cao tốc Việt Nam cho biết, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM cũng vừa ký hợp đồng tư vấn đoạn Nhơn Trạch Tân Vạn dự kiến khởi công vào quý 3/2021 vốn tổng vốn 5.300 tỷ đồng. Dự án 1A dài hơn 8,7 km, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM (khu vực TP. Thủ Đức) - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó đoạn đi qua Đồng Nai dài 6,3 km, còn lại qua TP.HCM. Kinh phí đầu tư cho dự án này là gần 5.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Phần giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do Đồng Nai và TP.Thủ Đức thực hiện. Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM được khép kín sẽ giúp phát triển kinh tế, xã hội TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý giao Bộ Giao thông - Vận tải là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cao tốc này có chiều dài 53,7km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km. Theo các chuyên gia về giao thông, tuyến cao tốc sẽ kết nối giữa sân bay quốc tế Long Thành và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường này có tính chất quyết định cho sự phát triển không chỉ của riêng 2 tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai) mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải, một cửa ngõ ra biển quan trọng của phía Nam. Trong tương lai không xa, 2 trung tâm phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ là sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, thay thế cho sân bay Tân Sơn Nhất - cảng Cát Lái hiện hữu.
Là một tỉnh nằm phía ngoài cùng của vùng kinh tế, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ dự án tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km qua TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, tổng vốn hơn 24.000 tỷ đồng, quy mô 6-8 làn xe, thực hiện trước năm 2030. Tuyến cao tốc này khi được triển khai sẽ giúp tăng năng lực vận tải, giao thương hàng hoá và rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đánh giá việc đầu tư cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là phù hợp quy hoạch.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn khẳng định, đầu tư vào kết nối hạ tầng giao thông là đầu tư cho sự phát triển chung của cả nước chứ không phải cho riêng vùng. “Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ phân bổ, cân đối ngân sách để kịp thời triển khai các dự án kết nối vùng”, ông Tuấn cho biết.
Khi cùng các nhà kinh tế ngồi lại bàn cách phát triển giao thông để vực dậy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng khẳng định “Đã đến lúc đầu tư cho vùng nào có khả năng sinh sôi nguồn lực cho cả nước, chỗ nào sinh lời, hiệu quả cao cần tập trung đầu tư”.