Phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Sau khi lắng nghe các báo cáo và phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các báo cáo rất cụ thể, đầy đủ của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương về thực trạng kết quả thực hiện, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân và người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất; đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng này.
Hội nghị cũng đã nhận được nhiều tham luận, đề xuất có tâm huyết và thiết thực từ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản lớn để có thể triển khai đầu tư xây dựng ngay quỹ nhà ở lớn cho công nhân và người dân nghèo.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản phù hợp, trong đó chỉ đạo cụ thể các định hướng, giải pháp sửa đổi, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành, tiếp tục giải quyết nhu cầu nhà ở đang rất bức thiết của công nhân, người thu nhập thấp.
Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2), giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tập trung khắc phục sớm nhất có thể.
Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như về đối tượng tham gia, thụ hưởng; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua – bán.
Việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển nhà ở xã hội còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, sát thực tế, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư…
Ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; cũng chưa có cơ chế huy động các nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả, hệ thống.
Nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Thực tế cùng một cơ chế, chính sách, nhưng nơi nào người đứng đầu thực sự quan tâm, làm việc có cảm xúc thì sẽ ra kết quả cụ thể.
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp rất quan tâm và làm tốt, thì nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình…
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, chúng ta phải thừa nhận vai trò của nhân dân trong phát triển các khu nhà trọ, bảo đảm nhà ở cho người lao động tại những nơi đông công nhân, nhưng quản lý Nhà nước còn chưa quan tâm, còn khoảng trống về pháp lý về lĩnh vực này.
Thời gian tới, cần phát huy vai trò này của nhân dân, trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường nhưng có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước khi cần thiết để bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng nêu rõ những quan điểm, định hướng lớn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quan tâm thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội thực chất, lành mạnh và bền vững.
Thứ hai, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Thứ ba, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Thứ tư, các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội để thúc đẩy phát triển toàn diện hơn lĩnh vực nhà ở xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân với trách nhiệm xã hội cao.
Thứ năm, song song với phát triển nhà ở xã hội, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, những năm qua, Ban lãnh đạo NHNN các thời kỳ rất quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tham gia các chương trình góp phần xây dựng nhà ở với người có thu nhập thấp. Thống đốc đã chia sẻ về một số chương trình mà ngành Ngân hàng đã triển khai như, năm 2012, ngành Ngân hàng đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội gói 30.000 tỉ. Kết thúc vào năm 2016, doanh số cho vay đạt trên 29 nghìn tỉ đồng. Hiện nay, gói này cũng chỉ còn dư nợ khoảng 7.200 tỉ đồng. Đây là một chương trình rất thành công, giúp việc cải thiện nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tiếp đó, ngành Ngân hàng đã triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó, giao trách nhiệm cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, đối với chủ đầu tư thì vay từ các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, ngân sách bố trí để cấp bù lãi suất cho Nghị định chưa bố trí được nên các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia chưa triển khai được, khi có ngân sách cấp bù thì tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cho vay từ nguồn huy động được từ người dân. Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, việc cho vay nhà ở xã hội cũng là một trong những đối tượng được quan tâm, với các gói Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay. Trong Nghị quyết 11 có một nhiệm vụ giao NHNN chủ trì phối hợp các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2022-2023 từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31, NHNN cũng đã ban hành Thông tư quy định rõ nhiệm vụ, chức năng các bộ, ngành, quy trình, thủ tục cho vay… Bày tỏ sự phấn khởi khi nghe thấy các doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng đã đăng ký xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ngay tại Hội nghị ngày, Thống đốc cho hay, nếu tính sơ bộ, nguồn vốn có thể dao động khoảng từ 600 ngàn tỉ đồng đến 1 triệu tỉ đồng và thực hiện trong 10 năm. Để hỗ trợ cho nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp thì vấn đề vốn và lãi suất rất quan trọng. Về vốn, các tổ chức tín dụng có thể huy động từ người dân để cho vay. Về lãi suất, hiện nay, Nghị định 31 có hỗ trợ lãi suất 2% để triển khai trong năm 2022 – 2023, nếu các dự án có thể triển khai được thì có thể tận dụng gói hỗ trợ này. Chia sẻ tại Hội nghị, Thống đốc cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng rất tích cực, trách nhiệm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong đại dịch. Đến nay, phần giảm lãi cho vay, giảm phí là gần 50.000 tỉ đồng từ chính nguồn lực của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng rất trách nhiệm và chia sẻ với cộng đồng, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, tài trợ, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo thông qua các tỉnh, thành phố trên cả nước và Đảng ủy Khối cơ quan TW… Đồng thời, Thống đốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, phù hợp để hướng nguồn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực xây dựng nhà cho công nhân, người có thu nhập thấp. |
Phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả
Nêu rõ mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này.
Để xây dựng và triển khai đề án này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo trước ngày 15/8 về các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể.
"Các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin", Thủ tướng yêu cầu.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho các chuyên gia; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ theo định hướng trên; trước hết là các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, nghiên cứu việc quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về vấn đề này. Nghiên cứu việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có động lực, cảm xúc, cảm hứng để phát triển nhà ở xã hội,
Các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đó có nội dung về phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn và hằng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.
Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại được chỉ định, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; nghiên cứu việc cho vay phát triển nhà trọ cho công nhân.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Quyết Thắng – Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết việc thiết lập mô hình và phương thức thông qua chính sách xã hội để chăm lo cho người ngheo và đối tượng yếu thế là mô hình đặc biệt riêng có của Chính phủ nước ta. Chúng ta cho người nghèo, người yếu thế vay tạo việc làm, tạo sinh kế, trong đó có cả các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay để đi học. Về cho vay doanh nghiệp trả lương, theo Nghị quyết 68, với chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT, NHCSXH đã 36 lần rút vốn và cho vay 3.561 đợt doanh nghiệp để trả lương cho trên 1,2 triệu lao động nhằm ổn định việc làm. Chính phủ cũng đã dành gói an sinh 38.400 tỷ đồng, trong có 15.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, 9.000 tỷ đồng cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 3.000 tỷ đồng cho các cháu để mua máy vi tính, 1.400 tỷ đồng cho cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học công lập vay vốn. Về nhà ở, hiện nay có 185.741 người nghèo được vay để giải quyết nhu cầu về nhà ở, 29.953 hộ đang thụ hưởng chính sách nhà vượt lũ, 13.836 hộ vay chính sách nhà ở tránh bão khu vực miền Trung. Chương trình nhà ở xã hội đã giải ngân được 9.506 tỷ đồng cho 25.224 hộ. Về gói kích cầu, NHCSXH đã giải ngân 9.514 tỷ đồng cho 255.192 hộ vay vốn và đạt trên 50% kế hoạch. Trong đó, 6.980 tỷ đồng cho vay việc làm và 1.669 cho vay nhà ở xã hội với 5.861 hộ đang vay và 669 tỷ đồng cho các cháu đang vay mua máy tính, đã mua 70.643 máy tính. Thời gian qua, các bộ, ngành hết sức tích cực trong việc tạo lập chính sách và điều kiện vay vốn. Riêng các tỉnh cũng hết sức quyết liệt, đặc biệt trong việc tăng vốn uỷ thác sang NHCSXH. Đến nay, tổng uỷ thác của các địa phương là 28.500 tỷ đồng, trong đó Hà Nội là 6.300 tỷ đồng, TPHCM là 3.100 tỷ đồng, Bình Dương là 1.800 tỷ đồng, Đà Nẵng là 1.700 tỷ đồng, Vũng Tàu là 1.300 tỷ đồng, Đồng Nai là 900 tỷ đồng. |
Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định của các Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và số 49/2021/NĐ-CP và gói hỗ trợ khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Nghị quyết 11/NQ-CP.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021) làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Thực hiện nghiêm quy định về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Đối với các dự án nhà ở xã hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện.
Đối với các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương…: Căn cứ quy định pháp luật về nhà ở và Nghị định số 35/2022/NQ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ để dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.
Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt.
Sớm lập, phê duyệt và công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án.