Phát triển sản xuất, tận dụng các FTA đã ký kết
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình các vấn đề đại biểu nêu |
Tham gia 16 hiệp định FTA, nhưng lợi ích mang lại chưa lớn
Trả lời chất vấn, giải trình về một số vấn đề có liên quan đến lĩnh vực công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, nhiều ý kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương đã xác định đúng vấn đề bức xúc hiện nay. Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến thương mại điện tử, Phó Thủ tướng khẳng định, thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống. Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến thương mại điện tử, điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định có liên quan.
Để đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu cá nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, mặc dù đã có nhiều quy định trong hệ thống pháp luật nhưng việc cập nhật để có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật, việc triển khai ban hành các nghị định, trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên thương mại điện tử.
Liên quan đến thu hút đầu tư, tham gia các FTA, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định FTA, nhưng cũng cần nhìn nhận là lợi ích mang lại chưa lớn. Vì vậy, thời gian tới cần triển khai nhanh chóng để đáp ứng các quyết định từ các hiệp định thương mại này; hơn nữa thông tin về thị trường cũng như môi trường pháp lý của các nước tham gia FTA; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đầy đủ… Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết; đồng thời cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp trong nước…. Đối với thu hút FDI, cũng cần có tiêu chí chặt chẽ hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư vào công nghệ, cam kết nghiên cứu và chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm
Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, công thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, hoạt động của ngành công thương có nhiều đổi mới, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh; chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử; nhiều vụ việc nổi cộm về bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội đã được phát hiện, xử lý nghiêm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nhóm vấn đề chất vấn |
Việc khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao. Công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hoạt động thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp. Kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các Hiệp định FTA chưa như kỳ vọng. Tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí còn hạn chế.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương, các Bộ có liên quan thực hiện các giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng. Nghiên cứu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử; thực hiện phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên mạng. Chủ động rà soát và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương để khai thác thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hoá. Nâng cao năng lực cơ quan đại diện thương mại, thường xuyên cập nhật về quy định, chính sách của các thị trường ngoài nước, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu. Trong năm 2024, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện hiệp định thương mại tự do FTA tại các địa phương. Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản. Có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTA đã ký kết. Triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước.