Phê duyệt quy hoạch phân khu sân bay Đà Nẵng
Theo đó, phân khu sân bay được quy hoạch thuộc phường Hòa Cường Bắc, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu; phường Thạc Gián, phường Chính Gián, phường Hòa Khê, phường An Khê, phường Thanh Khê Đông, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê; phường Khuê Trung, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Diện tích lập quy hoạch khoảng 1.326,7 ha.
Ranh giới lập quy hoạch như sau: Phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Hữu Thọ; phía Tây giáp đường Trường Chinh; phía Bắc giáp đường Điện Biên Phủ; phía Nam giáp đường Cách mạng Tháng Tám.
Theo quy hoạch phê duyệt, quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 77.000 người. Trong đó, dân số thường trú khoảng 70.000 người, dân số quy đổi khoảng 7.000 người.
Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được định hướng là công trình kiến trúc độc đáo, mang tính biểu tượng, là cửa ngõ đường hàng không vào TP. Đà Nẵng |
Phân khu sân bay chia thành 2 khu vực chính là khu vực xây dựng đô thị và khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, tổ chức thành 4 khu vực phát triển với 4 đơn vị ở. Trong đó, khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là khu vực 1, định hướng phát triển theo đồ án Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đối với Khu vực xây dựng đô thị sẽ được tổ chức thành 3 khu vực phát triển, gồm 4 đơn vị ở với dân số 77.000 người, trong đó dân số vãng lai 7.000 người. 3 khu vực phát triển này gồm: Khu vực 2 có diện tích 89,46 ha và dân số 18.3000 người; khu vực 3 có diện tích 140,20 ha và dân số 19.500 người; khu vực 4 gồm 2 đơn vị ở ĐVO-03 và ĐVO-04, trong đó ĐVO-03 có diện tích 85,62 ha, dân số 19.400 người và ĐVO-04 có diện tích 163,30 ha, dân số 19.800 người.
Theo Quy hoạch, quỹ đất cho các công trình hạ tầng xã hội và cây xanh trong các đơn vị ở được quy hoạch theo hướng tăng dần để tiệm cận với các chỉ tiêu của khu vực phát triển mới. Các khu đất của thành phố cho thuê khi hết thời hạn sẽ được ưu tiên quy hoạch bổ sung hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe.
Đối với đất giáo dục, do đơn vị ở số 2 mang tính đặc thù là khu vực cửa ngõ sân bay, chú trọng phát triển dịch vụ và trải dài theo đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Tri Phương. Việc bố trí quỹ đất trường học cho khu vực này rất khó khăn, do đó quy hoạch đề xuất đơn vị ở số 2 sử dụng các trường lân cận nằm dọc theo tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ: Trường Tiểu học Diên Hồng diện tích khoảng 0,68 ha, Trường Tiểu học Lý Công Uẩn diện tích khoảng 0,63 ha, Trường THCS Lý Thường Kiệt diện tích khoảng 0,54 ha.
Tăng cường phát triển cây xanh đối với các cơ sở giáo dục, các trụ sở hay khu hành chính công, khu y tế, bệnh viện, bảo tàng... Phát triển, khuyến khích mảng xanh mái nhà, mảng xanh theo chiều đứng công trình để tăng cường diện tích xanh đô thị. Các dự án trong đơn vị ở khi triển khai quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phải đề xuất bổ sung cây xanh, không gian mở và đảm bảo mọi người dân được tiếp cận, sử dụng.
Về tiêu chí thương mại (chợ), trong quá trình lập quy hoạch chi tiết sẽ bố trí trong các khu đất dịch vụ được định hướng quy hoạch đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Quy hoạch cũng đề cập đến không gian mở được thiết kế trên nguyên tắc khai thác, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, hài hòa với không gian kiến trúc công trình và phù hợp với chức năng sử dụng đất. Trong đó, điểm nhấn của không gian mở là cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế - điểm tiếp cận chính vào TP. Đà Nẵng bằng đường hàng không.
Quy hoạch chung không xác định công trình điểm nhấn đô thị tại khu vực phân khu sân bay. Để định hướng, tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, tạo nét đặc trưng và nhận diện cho khu vực lập quy hoạch, xác định các điểm nhấn là các khu vực gồm: Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được định hướng là công trình kiến trúc độc đáo, mang tính biểu tượng, là cửa ngõ từ đường hàng không vào thành phố; các không gian xanh, mặt nước như công viên kết hợp thể dục thể thao Nam sân bay, công viên Hòa Thọ, chuỗi công viên kênh Phần Lăng kết hợp trung tâm thể dục thao Thanh Khê, chuỗi công viên hồ điều tiết Cẩm Lệ.