Phim tài liệu về ngày Quốc khánh: Những bản hùng ca vang mãi
77 năm trước, Cách mạng tháng Tám của nhân dân Việt Nam đã đi đến thắng lợi với cột mốc lịch sử 19/8/1945, đập tan xiềng xích của chế độ thực dân phong kiến và giành lại nền độc lập. Cách mạng tháng Tám thành công là kết tinh của tinh thần, ý chí tự lực tự cường, của trí tuệ con người Việt Nam, của truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là tiền đề cho ngày 2/9/1945 lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. |
Gần 80 năm trôi qua, dấu ấn của những ngày tháng Tám lịch sử và ngày Quốc khánh 2/9 vẫn luôn sống mãi, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khát vọng vươn xa trong mỗi người con nước Việt. Góp phần lưu giữ, lan tỏa giá trị của thời khắc lịch sử ấy chính là điện ảnh. Nghệ thuật thứ bảy, đặc biệt là phim tài liệu, đã có nhiều tác phẩm đặc sắc, chất lượng, giàu giá trị nội dung, tư tưởng được các nhà làm phim thực hiện nhân sự kiện 2/9/1945 của dân tộc Việt Nam.
Trong không khí hân hoan, kỷ niệm ngày lễ trọng đại, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tổ chức đợt phim kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trên cả nước. Trong số các tác phẩm trình chiếu trong dịp này, người xem vô cùng ấn tượng với bộ phim tài liệu “Vững tin trên con đường đã chọn” do Điện ảnh Quân đội sản xuất. Bộ phim dài hơn 30 phút, thể hiện truyền thống yêu nước, ý chí chống ngoại xâm của các thế hệ cha ông đi trước với khát vọng: Độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Khát vọng đó được những con người của thời đại Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua bao chặng đường đầy hy sinh, gian khổ, kiên trì và mưu lược để giành thắng lợi.
Trong dòng chảy lịch sử điện ảnh nước ta, một trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, quý giá nhất về ngày Quốc khánh 2/9 đã được trình chiếu tới khán giả cả nước là phim tài liệu “Ngày Độc lập 1945” của nghệ sĩ nhân dân - cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Đây là bộ phim tài liệu đặc biệt và rất có giá trị bởi xuất hiện hình ảnh thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, có độ dài 5 phút.
Năm 1974 các nhà làm phim Hồng Hà, Phạm Kỳ Nam, Nguyễn Như Ái sang nước ngoài tìm tư liệu làm phim về ngày 2/9/1945, đã được đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens giới thiệu một người bạn còn lưu trữ nhiều tư liệu phim về Đông Dương, có thể trong đó có hình ảnh sự kiện ngày 2/9. Từ lời giới thiệu, các nhà làm phim Việt Nam đã tìm tới nhà người bạn của đạo diễn Joris Ivens. Và vỡ òa vui sướng, hạnh phúc ngập tràn vì trong kho tài liệu phim của người này, nhóm làm phim “Ngày Độc lập 1945” đã tìm được những hình ảnh mình cần.
Sau 6 tháng dàn dựng, quay thêm 1 vài bối cảnh, phim tài liệu “Ngày Độc lập 1945” dài 18 phút do đạo diễn Phạm Kỳ Nam thực hiện đã được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 2/9/1975. Bộ phim làm người xem nước nhà xúc động với hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài “Diệt phát xít”, cùng Lời tuyên thệ độc lập của quốc dân vang động khắp không gian. Giọng nói ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, trong giờ phút khai sinh ra nước Việt Nam độc lập đã trở thành bất tử. Đoạn phim với những lời lẽ thuyết phục, hùng hồn đã in sâu vào tâm trí người Việt Nam kể từ ngày 2/9/1975. Từ đó, những thước phim “Ngày Độc lập 1945”, đặc biệt 5 phút tư liệu quý giá có được ở nước ngoài xuất hiện đều đặn trên sóng truyền hình mỗi dịp Việt Nam kỷ niệm ngày Quốc khánh.
Nhắc tới phim liên quan đến ngày Lễ Độc lập, không thể không nhắc đến tác phẩm tài liệu nhựa màu “Ngày lịch sử” của Viện Lưu trữ phim ảnh nhà nước Nga, được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội mua bản quyền, phát sóng lần đầu tiên vào dịp Quốc khánh cách đây 17 năm. “Ngày lịch sử” của đạo diễn người Nga Vladimir Echourine có thời lượng gần 25 phút, có nhiều cảnh quay đẹp, diễn tả không khí lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình và toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Ngày lịch sử” còn có nhiều hình ảnh tư liệu về Hà Nội đỏ rực cờ hoa, cổng chào, biểu ngữ, hàng chục vạn người dân như nước chảy đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử, đón chào Chính phủ kháng chiến trở về ra mắt quần chúng Thủ đô và quốc dân đồng bào cả nước. Điều thú vị ở “Ngày lịch sử” là ngoài các nhà làm phim Nga, âm nhạc biên soạn theo các bản nhạc Việt còn có sự tham gia của điện ảnh Việt Nam rất non trẻ, với 3 nhà quay phim Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Phan Nghiêm. Trong khi đó, lời bình phim “Ngày lịch sử” được viết và đọc bởi nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Công chúng yêu điện ảnh nước ta cũng được thưởng thức bộ phim tài liệu đặc sắc do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất, đó là “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn”. Điều đặc biệt ở phim tài liệu này nằm ở chỗ, các nhà làm phim thể hiện như một cuốn sách mà nếu đọc từ đầu tới trang cuối, khán giả sẽ hiểu sâu sắc ý nghĩa lớn lao mang tính lịch sử và giá trị thời đại, tầm cỡ quốc tế của Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
Phim tài liệu “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn” là một góc nhìn mới về Bản Tuyên ngôn độc lập quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Phim có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, được ghi hình ở trong nước và Venezuela - nơi người dân đặc biệt tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng cách mạng, bài học có giá trị thời đại của Người. “Dấu ấn Bản Tuyên ngôn” được đánh giá là tác phẩm tài liệu độc đáo, mang nhiều giá trị bởi đem tới một góc nhìn mới về Bản Tuyên ngôn quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam và cả thế giới kể từ khi ra đời 77 năm trước.
Để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc với khán giả còn có phim “Lời khát vọng dân tộc” - phim tài liệu nhựa, màu của đạo diễn người Nga Vladimir Echourine và các cộng sự làm. “Lời khát vọng dân tộc” khắc họa lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với những bản Tuyên ngôn Độc lập từ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Đặc biệt, phim khắc ghi hình ảnh bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2/9/1945, thể hiện khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam từ nghìn xưa cho đến nghìn sau.
Một tác phẩm tài liệu sản xuất trong thời gian gần đây, thường được công chiếu trong ngày Quốc khánh, khán giả đón nhận và yêu thích là “Hồ Chí Minh - Bài ca tự do”. Bộ phim này do Trung tâm phim tài liệu khoa học và Phóng sự - Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, xây dựng trên mạch cảm xúc là các bài hát trong nước và quốc tế nổi tiếng ca ngợi Bác Hồ. Bộ phim “Hồ Chí Minh - Bài ca tự do” kể câu chuyện cuộc đời, về sức lan tỏa của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Những ca khúc trong nước và quốc tế sử dụng trong phim được sáng tác dựa trên cảm hứng bất tận về Bác mà tác giả hầu hết cũng là các chiến sĩ cách mạng, yêu chuộng hòa bình của thế giới. Khán giả được nghe lại những giai điệu quen thuộc của “The ballad of Hochiminh” (tác giả Ewan Maccoll, người Anh) - ca khúc viết về Bác Hồ sớm nhất, “Quyền sống trong hòa bình” (Victore Hara, người Chile), “Teacher Uncle Ho” (nhạc sĩ Peter Seeger, người Mỹ), “Bác Hồ - người thầy vĩ đại” (nhạc sĩ Juan Francisco Gutierrez, người Venezuela), “Như có Bác trong ngày đại thắng” (nhạc sĩ Phạm Tuyên) cùng nhiều ca khúc quốc tế khác lấy cảm hứng từ tư tưởng tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Hồ Chí Minh - Bài ca tự do” nêu bật tầm vóc, sức ảnh hưởng của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Ngoài sức lan tỏa mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, bộ phim tài liệu này còn cho khán giả thấy được những tình cảm đặc biệt mà nhân dân quốc tế dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định, trong dòng chảy điện ảnh, các phim tài liệu về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 dù ra đời ở thời điểm nào, do các nhà làm phim trong nước hay quốc tế sản xuất đều đã khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Các bộ phim tài liệu như những bản anh hùng ca, qua đó góp phần giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, động viên, nhắc nhở mỗi người dân nước Việt cần trân trọng, gìn giữ giá trị “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xướng lên ở mùa thu 77 năm trước.