Phim Việt tìm đường xuất ngoại
Phim "Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa được chọn là phim đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển hạng mục phim quốc tế Oscar 2024, nhưng lại rất khó tìm đường ra rạp |
Quan sát chuyển động của thị trường điện ảnh, có thể thấy, một số nhà làm phim Việt đang nỗ lực đưa các phim Việt phát hành ở thị trường ngoại như Mỹ, Canada, Australia, Hàn Quốc, Thái Lan… để tìm kiếm cơ hội tăng doanh thu hoặc lấy lại vốn đầu tư. Tuy nhiên, giữa khát vọng và thực tế là một khoảng cách nhiều khi… không dễ nói thành lời.
Theo TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, điện ảnh có thế mạnh lớn khi thực hiện nhiệm vụ quảng bá văn hóa. Tuy nhiên, những tác phẩm điện ảnh Việt Nam được đánh giá cao đều ra đời cách đây khá lâu. "Các tác phẩm gần đây chưa gây tiếng vang về bản sắc dân tộc, dù có doanh thu ấn tượng ở phòng vé. Việt Nam có ít chương trình quảng bá điện ảnh, chủ yếu trông vào nguồn xã hội hóa", bà Lan nhận định.
TS. Ngô Phương Lan cho rằng, quá trình đưa phim Việt Nam ra nước ngoài có thể trải qua nhiều cấp độ. Trong đó, khâu yếu nhất là phát hành phim ra thị trường thế giới mà không cần thông qua những tuần lễ quảng bá phim.
Chúng ta không thể so sánh với các thị trường điện ảnh lớn mạnh ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng ngay trong khu vực Đông Nam Á, điện ảnh Việt cũng đang phải đuổi theo Thái Lan, Philippines, Indonesia - đặc biệt là ở phần phát triển thị trường ra nước ngoài.
Trong khi đó, nhìn ở góc độ khác, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh giữ vai trò quan trọng. Nhiều cơ sở đào tạo điện ảnh tại Việt Nam chưa hội tụ đủ điều kiện cần và đủ để tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh với thế giới, do chưa có sự đồng bộ, tiên tiến, hiện đại trong hệ thống giáo trình.
"Nhiều ngành học như quay phim, dựng phim, kỹ xảo, đạo diễn âm thanh… càng xác lập vị trí vững chắc đầu ra trong bảng ngành nghề đào tạo điện ảnh đương đại", PGS.TS Vũ Ngọc Thanh nêu.
Từ góc nhìn sản xuất phim, nhà sản xuất Lý Quốc Oai từng nêu quan điểm, có không ít khó khăn khi phát hành phim Việt ở nước ngoài như câu chuyện phim chưa ấn tượng vì tập trung quá nhiều vào yếu tố bản địa, gây khó hiểu cho người nước ngoài hoặc không có nét riêng, đạo diễn và dàn diễn viên kém danh tiếng so với khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc. Với thị trường có đông người Việt như ở Mỹ và một số nơi có khu người Việt sống tập trung thì việc phát hành phim Việt tương đối thuận lợi.
Đồng quan điểm, đạo diễn Victor Vũ cũng cho rằng, khi đã ra đến thị trường quốc tế phải tính đến “khẩu vị” của người xem. Bên cạnh nội dung cuốn hút, giàu tính giải trí, phim Việt muốn cạnh tranh ở nước ngoài phải mang “bản sắc và phong vị Việt Nam”. Khi một bộ phim muốn ra thế giới thì nội dung của nó phải vượt khỏi giới hạn về ngôn ngữ và văn hóa. Đó phải là những câu chuyện về con người, có những yếu tố mà bất cứ dân tộc hay quốc gia nào xem cũng cảm nhận được.
Dưới góc nhìn của giới biên kịch, nhà biên kịch Vân Anh cho rằng, đưa phim Việt ra thị trường thế giới và được đón nhận vẫn là một bài toán nan giải chứa đựng những câu hỏi, khát vọng, thách thức phía trước. Dẫu biết có nhiều nhà sản xuất không ngừng nỗ lực để tìm kiếm cơ hội. Nhưng để việc xuất khẩu phim Việt tiến đến chuyên nghiệp, cần sự liên kết giữa các nhà làm phim và đặc biệt phải cần đến chính sách nhất quán cho lĩnh vực điện ảnh từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có như vậy thì việc vận động, xuất khẩu phim không còn là nhỏ lẻ.
Để ngày càng có nhiều phim điện ảnh Việt chiếu trên thị trường quốc tế, rõ ràng cần có những chiến lược dài hơi. Nói như TS. Ngô Phương Lan, trước những bất cập và hệ lụy trong việc xã hội hóa các hoạt động điện ảnh, hơn bao giờ hết Nhà nước cần tỏ rõ vai trò định hướng. “Mục đích của định hướng nhằm phát triển hài hòa các dòng phim: phim phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước đặt hàng, phim có giá trị nghệ thuật do Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tài trợ và dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa”, TS. Ngô Phương Lan nói.