Phối hợp thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng
Các TCTD và cơ quan thi hành án trao đổi, thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động ngân hàng |
Buổi tọa đàm là dịp để TCTD trên địa bàn và Cục Thi hành án dân sự thành phố, cơ quan thi hành án quận, huyện trao đổi, thảo luận cùng nhau nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng. Qua đó góp phần tích cực xử lý những khoản nợ tồn đọng phát sinh, hỗ trợ cho công tác thu hồi nợ, đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống ngân hàng và sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Sáu, Phó Cục trưởng, Cục Thi hành án dân sự thành phố, thời gian qua, quá trình thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng trên địa bàn có những thuận lợi. Công tác phối hợp và thực hiện quy chế phối hợp giữa thi hành án và ngân hàng đạt kết quả tích cực. Từ Cục Thi hành án dân sự thành phố đến Chi cục thi hành án dân sự các quận, huyện đã nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm tổ chức thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng. Về phía ngân hàng và các TCTD cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự, các đơn vị liên quan trong thi hành án và giải quyết tháo gỡ các vướng mắc trong việc thi hành án.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Vietcombank Đà Nẵng cho biết, có những vụ việc đơn vị ưu tiên thu tiền nợ gốc trước tạo điều kiện cho người phải thi hành án trả dần phần lãi. Thậm chí, có trường hợp ngân hàng miễn, giảm lãi cho người phải thi hành án, tạo điều kiện để thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng…
Tuy nhiên, qua hơn 3 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đều bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi vậy, vấn đề xử lý nợ xấu liên quan đến công tác thi hành án cũng gặp những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt, đối với tài sản thế chấp là bất động sản. Việc thị trường bất động sản thời gian gần đây trầm lắng nên việc bán đấu giá tài sản là bất động sản hầu hết phải giảm giá nhiều lần. Hoặc, đối với tài sản thế chấp là tàu biển, khi cho vay có giá trị cao, nhưng khi xử lý tài sản còn giá trị thấp và rất khó bán dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án án…
Liên quan đến tài sản đảm bảo của bên thứ ba, khi gửi đơn các TCTD yêu cầu thi hành án đồng thời tài sản bảo đảm của bên nợ và của bên thứ 3. Tuy nhiên, thực tế cơ quan thi hành án thường tiến hành xử lý các tài sản bảo đảm của bên nợ trước. Sau khi xử lý hết tài sản bảo đảm của bên nợ thì mới xử lý các tài sản bảo đảm của bên thứ 3. Một số trường hợp, quá trình xử lý tài sản của bên nợ gặp khó khăn, kéo dài, giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn nhiều so với dư nợ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.
Bên cạnh đó, TCTD còn gặp những khó khăn đối với trường hợp sai lệch về diện tích đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất trên thực tế; phải phân tách nghĩa vụ đảm bảo đối với từng tài sản đảm bảo; xử lý thi hành án tài sản đảm bảo là động sản… Một số trường hợp, không tiếp tục giải quyết thi hành án sau khi xử lý hết tài sản đảm bảo; Cơ quan thi hành án phong tỏa tài sản thế chấp tại ngân hàng mà chưa qua xác minh. Các vướng mắc liên quan đến thủ tục đấu giá tài sản, chi phí thẩm định giá tài sản, thành phần phiên đấu giá, chi phí đấu giá và một số vấn đề khác... khiến cho quá trình xử lý tài sản đảm bảo của các ngân hàng khó khăn hơn.
Trước những khó khăn trên ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Đà Nẵng đề xuất, thời gian giải quyết các vụ việc thường kéo dài, các TCTD kiến nghị cơ quan thi hành án cần hỗ trợ, có hướng dẫn cụ thể về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế tài sản, để có sự áp dụng thống nhất trong quá trình giải quyết; bổ sung quy định về thời hạn trong các giai đoạn thi hành án theo hướng rút ngắn nhằm thúc đẩy quá trình xử lý các vụ việc thi hành án dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng.