Phòng, chống rửa tiền trong hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã
Đây là kết quả của hoạt động nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Học viện Ngân hàng hợp tác cùng WCS Việt Nam.
Bắt giữ khoảng 7 tấn ngà voi tại cảng Hải Phòng tháng 4/2022. |
Báo cáo cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các định chế tài chính, các ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng, các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác phòng, chống rửa tiền nói chung và phòng, chống rửa tiền liên quan đến các loại tội phạm nguồn như tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố cho giai đoạn 2018-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm đánh giá nhận thức, năng lực và thực tiễn công tác nhận biết và phòng, chống rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã và nhu cầu nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực của đơn vị tình báo tài chính (Financial Intelligence Unit - FIU), các ngân hàng thương mại (NHTM), và các tổ chức tài chính (TCTC) phi ngân hàng.
Báo cáo nghiên cứu cũng đưa ra các khuyến nghị góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống rửa tiền từ các loại tội phạm môi trường; xây dựng các chiến dịch hành động hướng đến thay đổi góc nhìn và thực hành của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính đối với việc phòng, chống các rủi ro, nguy cơ rửa tiền từ hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam.
Nghiên cứu được thực hiện trong 5 tháng từ tháng 8-12/2022, trong đó, thời gian nghiên cứu thực trong 3 tháng tại 12 tỉnh, thành phố với sự tham gia của 428 cán bộ đến từ các đơn vị liên quan thuộc NHNN Việt Nam, các NHTM và các TCTC phi ngân hàng.
Số liệu cho thấy, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam được coi là một trong những điểm nóng về tình trạng buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Tại Việt Nam, số vụ vi phạm về động vật hoang dã có xu hướng tăng trong 2 năm gần đây bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Con số từ lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, năm 2021 phát hiện 816 vụ vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nhiều hơn đáng kể so với năm 2020 là 379 vụ vi phạm, trong 6 tháng đầu năm năm 2022 là 356 vụ vi phạm.
Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động buôn bán trái pháp luật các cá thể, bộ phận cơ thể và sản phẩm của động vật hoang dã kể trên được đánh giá là rất lớn, cả trên thế giới và tại Việt Nam. Theo ước tính của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF), doanh thu toàn cầu từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ở mức khoảng 23 tỷ USD/năm (FATF, 2020).
Theo Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), tại Việt Nam, tổng doanh thu và lợi nhuận hàng năm từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã ước tính lần lượt đạt mức 66,5 triệu đô la Mỹ và21 triệu đô la Mỹ (Pham và cộng sự, 2021). Chính nguồn lợi nhuận khổng lồ này đã khiến việc đấu tranh với các hoạt động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp.
Lô hàng tê tê, ngà voi nhập lậu qua cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 1/2022 |
Theo Báo cáo Tội phạm động vật hoang dã thế giới năm 2020 của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), giá bán buôn bất hợp pháp một kg ngà voi tại Việt Nam khoảng 660 đô la Mỹ (khoảng 15,2 triệu đồng) vào năm 2018, và giá bán buôn bất hợp pháp một kg sừng tê giác là 18.881 đô la Mỹ (khoảng 434 triệu đồng) vào năm 2017.
Vấn nạn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã có thể gây ra những hệ luỵ tiêu cực đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Liên Hợp Quốc ước tính hàng năm thế giới thất thoát khoảng 48-153 tỷ USD do nạn buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu mỗi năm. Số tiền này bao gồm các chi phí gây thiệt hại cho nhà nước và an ninh công cộng, như chi phí phòng vệ, chi phí liên quan đến vận hành hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật, tổng thiệt hại về sinh thái, tài sản bị đánh cắp… Đồng thời, nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã có thể ngăn cản đầu tư và làm suy yếu năng lực của các chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Theo kết quả nghiên cứu, cán bộ của các NHTM và TCTC phi ngân hàng đánh giá rủi ro rửa tiền từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là khá cao, con số đánh giá của NHTM là 84%, của TCTC phi ngân hàng là 80%.
Trong đó nhóm ngân hàng nước ngoài được đánh giá tốt nhất về hiệu quả thực hiện các nội dung trong quy trình đánh giá rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã do đã có kinh nghiệm áp dụng các quy định về phòng chống rửa tiền của ngân hàng mẹ. Trong khi đó, các NHTM cổ phần và TCTC phi ngân hàng có mức áp dụng thấp hơn do phải cân đối giữa áp lực cạnh tranh kinh doanh và việc tuân thủ các quy định, quy trình về phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, các TCTC vẫn gặp khó khăn trong việc nhận diện rủi ro rửa tiền từ nguồn buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào nhận diện được rủi ro rửa tiền thu được từ hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Dựa trên kết quả khảo sát và các khuyến nghị, WCS Việt Nam sẽ tiếp tục thiết kế các hoạt động nâng cao nhận thức về các nguy cơ, rủi ro tài chính từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn hỗ trợ các tổ chức tài chính nhằm nâng cao năng lực phòng chống rửa tiền liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.