Quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Tín dụng tiêu dùng phục hồi mạnh TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng nông thôn mới có dư nợ hơn 84 ngàn tỷ đồng |
Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI. Một trong những nội dung quan trọng là vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý công khai minh bạch, thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý.
Ngoài pháp luật về đầu tư, quy định về quản lý ngoại hối luôn là quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này, cụm từ “nhà đầu tư nước ngoài” để chỉ cá nhân có quốc tịch nước ngoài và tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư vào Việt Nam.
Về cơ bản, các quy định hiện hành đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng (TCTD) khi cung ứng dịch vụ ngoại hối cho khách hàng: Hiểu theo cách đơn giản, khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư tại Việt Nam, mọi giao dịch về vốn liên quan đến hoạt động đầu tư phải được thực hiện thông qua 01 (một) tài khoản vốn đầu tư mở tại 01 (một) ngân hàng được phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có khá nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa nắm rõ khi nào phải mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và khi nào mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp.
Theo quy định hiện nay, các đối tượng quy định tại Thông tư 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài nêu trên phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (bao gồm chủ thể là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chủ thể là nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP không thành lập doanh nghiệp dự án) để thực hiện các giao dịch về vốn liên quan đến hoạt động đầu tư: Góp vốn đầu tư, thanh toán chuyển nhượng phần vốn góp (giữa nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam), chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài.
Các trường hợp nằm ngoài quy định trên của Thông tư 06 sẽ mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp bằng đồng Việt Nam để thực hiện các giao dịch vốn, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú: (i) góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có cơ cấu vốn dưới 51% thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (và không thuộc đối tượng doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành lập tổ chức kinh tế); và (ii) góp vốn, mua bán cổ phần trong các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán góp vốn, chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các quỹ đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ…; các giao dịch mua, bán giấy tờ có giá trên thị trường chứng khoán, ủy thác đầu tư theo các quy định của pháp luật về chứng khoán,…
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Các sai phạm từ phía doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài thường gặp như: chưa thực hiện mở, đóng và sử dụng các tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo quy định; thực hiện các giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn góp, chuyển vốn đầu tư, lợi nhuận và nguồn thu khác ra nước ngoài không đúng quy định; không kê khai và cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động đầu tư vào Việt Nam theo yêu cầu và hướng dẫn của TCTD,…
Về phía ngân hàng, các sai phạm thường phát sinh do chưa tuân thủ trách nhiệm của TCTD được phép khi thực hiện cung ứng dịch vụ ngoại hối, dịch vụ tài khoản cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài (khách hàng) như: cung ứng thực hiện các giao dịch góp vốn, chuyển nhượng vốn góp, chuyển vốn đầu tư, lợi nhuận và nguồn thu khác ra nước ngoài không đúng quy định; chưa thực hiện đúng trách nhiệm hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục mở, đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, tài khoản vốn đầu tư gián tiếp và thực hiện các giao dịch thu chi trên các tài khoản này theo quy định; chưa thực hiện đúng trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế của khách hàng,…
Nhằm hạn chế sai phạm, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về ngoại hối trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều giải pháp để phổ biến các quy định đến các TCTD cung ứng dịch vụ ngoại hối trên địa bàn: phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (điểm cầu TP. Hồ Chí Minh) tổ chức các Hội nghị trực tuyến để phổ biến các Thông tư, quy định mới ban hành; có văn bản phổ biến, tuyên truyền quy định quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến các TCTD để tăng cường công tác thông tin tư vấn và hướng dẫn khách hàng bởi TCTD chính là cầu nối quan trọng để thông tin quy định pháp luật được phố biến một cách nhanh chóng, hiệu quả và sâu rộng đến các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Để chủ động, nâng cao vai trò giám sát trong hoạt động quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh công tác truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh còn tăng cường công tác kiểm tra việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm (nếu có); yêu cầu các TCTD tăng cường giám sát trong thực hiện các giao dịch ngoại hối liên quan hoạt động đầu tư vào Việt Nam, kịp thời báo cáo các giao dịch nghi ngờ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu tội phạm đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, phản ánh các khó khăn vướng mắc và các bất cập trong cơ chế chính sách (nếu có). Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thực hiện báo cáo, kiến nghị, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng xem xét sửa đổi, bổ sung quy định (nếu có) để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.