Quảng Nam thúc đẩy du lịch đường sắt
Cơ hội để phát triển du lịch
“Chuyến tàu di sản miền Trung” - đoàn tàu du lịch sau một thời gian vận hành chặng Huế - Đà Nẵng và ngược lại, đang thu được nhiều kết quả tích cực. Sau một thời gian hoạt động, đoàn tàu đã thu hút được sự quan tâm, lựa chọn của nhiều du khách cũng như người dân địa phương, đặc biệt trong bối cảnh giá vé máy bay đang “leo thang” như hiện nay.
Trong đó, tại TP. Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực xây dựng sản phẩm xung quanh tuyến du lịch đường sắt này. Đây được xem là phương án mới của ngành du lịch địa phương, thêm đa dạng sản phẩm để thu hút du khách thập phương đến và trải nghiệm. Trong khi đó, nằm trên con đường di sản miền Trung - Quảng Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy du lịch đường sắt, trước mắt mong muốn trở thành điểm đến mới của “Chuyến tàu di sản miền Trung”.
Trên thực tế, ngành du lịch xứ Quảng vốn có mối liên hệ chặt chẽ với du lịch Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Quảng Nam cũng có nhiều lợi thế về du lịch, trong đó phải kể đến 2 di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Về hạ tầng hạ tầng giao thông, xứ Quảng cũng cơ bản đáp ứng được “điều kiện cần”, để kết nối với “chuyến tàu di sản miền Trung” trong tương lai. Tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh qua địa bàn Quảng Nam dài 91,5km, đi qua 8 ga gồm: Nông Sơn, Trà Kiệu, Phú Cang, Tam Thành, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ, Núi Thành.
Trong đó, có 3 ga tác nghiệp đón trả khách là: Trà Kiệu, Tam Kỳ và Núi Thành. Ga Tam Kỳ là điểm đón, trả khách trung tâm của ngành đường sắt Quảng Nam. Từ Tam Kỳ, khách du lịch dễ dàng tiếp cận các trung tâm du lịch ở phía đông của tỉnh như: Thăng Bình, Duy Xuyên, biển Tam Thanh. Trong khi đó, ga Trà Kiệu nằm ở trung tâm du lịch di sản gồm khu đền tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An. Từ Trà Kiệu, khách di chuyển chỉ chưa tới một giờ đồng hồ là đến được Mỹ Sơn, thời gian di chuyển về phố cổ Hội An cũng tương đương.
Quảng Nam đang nỗ lực thu hút khách du lịch bằng đường sắt. |
Dù có nhiều ga đường sắt, kết nối qua con đường di sản miền Trung, sở hữu các di sản văn hoá thế giới, song từ trước đến nay, du lịch đường sắt vẫn là một khái niệm khá xa lạ với người dân địa phương… Bởi vậy, chủ trương phát triển du lịch đường sắt, bằng việc kết nối với “Chuyến tàu di sản miền Trung”, của Quảng Nam đã thu hút sự quan tâm, cũng như đồng tình của nhiều người.
Cụ thể, với việc hình thành chuyến tàu này sẽ góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến với Quảng Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nội địa và khách quốc tế đến, đi từ địa phương bằng đường sắt. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, do cách không xa ga Đà Nẵng nên giờ tàu đi và đến các ga ở Quảng Nam, trong đó có ga Trà Kiệu có khung giờ khá đẹp, có thể nói là “giờ vàng”, đây là yếu tố thuận lợi để khai thác du lịch.
Băn khoăn những “nút thắt”
Theo nhiều người, nếu thúc đẩy du lịch đường sắt ở Quảng Nam, mà cụ thể trước mắt là kết nối mở rộng “Chuyến tàu di sản miền Trung”, thì ga Trà Kiệu là sự lựa chọn phù hợp nhất. Bởi, ga Trà Kiệu đã được đầu tư hạ tầng tương đối ổn, có thể phục vụ du lịch; khoảng cách từ ga đến hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn đều khá gần. Thêm nữa, bản thân địa danh Trà Kiệu, cái tên ga Trà Kiệu cũng mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử đặc sắc gắn với đất và người xứ Quảng cũng như cả miền Trung...
Theo đại diện Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, nếu triển khai được tuyến tàu lửa du lịch Huế - Đà Nẵng - Trà Kiệu và ngược lại, đơn vị rất ủng hộ và sẵn sàng tính toán phương án cung cấp trải nghiệm văn hóa cho khách đi tàu cũng như ưu đãi về giá vé đến khu đền tháp… Trên thị trường du lịch ở khu vực miền Trung, hiện có rất nhiều đoàn khách đến từ Châu Âu, Mỹ, Úc và các đoàn khách này lại khá quan tâm đến những sản phẩm liên quan đến văn hoá di sản ở khu vực.
Trên thực tế, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động phát triển du lịch đường sắt tại Quảng Nam hy vọng sẽ mang đến cơ hội đi lại thuận tiện cho người dân, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Quảng Nam, đến với di sản miền Trung thông qua hình thức vận tải đường sắt, đồng thời góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của du khách. Bởi vậy, việc Quảng Nam sẽ đón “chuyến tàu di sản miền Trung”, là điều khả thi trong tương lai gần.
Phát triển du lịch đường sắt góp phần thu hút du khách đến Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. |
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác quảng bá, phát triển du lịch Quảng Nam và đường sắt giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó, hai bên sẽ hợp tác xúc tiến đầu tư du lịch bằng đường sắt và xây dựng các chương trình kích cầu thu hút khách du lịch bằng đường sắt. Qua đó, góp phần gia tăng nguồn khách du lịch đến xứ Quảng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách nội địa lẫn quốc tế đến và đi từ Quảng Nam bằng đường sắt.
Bên cạnh những thuận lợi kể trên thì việc Quảng Nam phát triển du lịch đường sắt không phải là không có khó khăn. Theo dữ liệu cập nhật của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, lượng khách đi - đến ga Tam Kỳ, Trà Kiệu hay Núi Thành hiện còn khá khiêm tốn. Tổng lượng khách đến các ga Quảng Nam chỉ bằng khoảng 10% so với lượng khách đi - đến ga Đà Nẵng và khoảng 15% so với các ga ở Thừa Thiên - Huế. Thêm nữa, lượng khách đi tàu ở Quảng Nam hiện nay chủ yếu là người dân địa phương, có rất ít khách du lịch.
Trong khi, theo tính toán của ngành đường sắt, để vận hành lâu dài được một chuyến tàu trải nghiệm du lịch thì tỷ lệ lấp đầy phải đạt khoảng 60-70% trong 6 đến 7 toa tàu. Do đó, để có tuyến tàu sắt du lịch qua Quảng Nam phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch để kết nối thị trường khách. Hiện, các nhà ga ở Quảng Nam cơ bản đủ điều kiện phục vụ du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nhiều khu dịch vụ chuyên biệt như khu ăn uống, bãi đỗ xe đủ rộng để phục vụ các đoàn khách.
Chưa kể, nếu muốn thu hút khách đi chuyến tàu du lịch đến với Quảng Nam cũng cần có những trải nghiệm văn hóa bản địa thực sự khác biệt. Trong đó, phải tính toán kỹ các gói tour, sản phẩm, dịch vụ phù hợp, thuận lợi sau khi khách du lịch xuống Trà Kiệu, Tam Kỳ hay Núi Thành...