Quốc hội sẽ xem xét, giải quyết “những vấn đề kinh tế nổi cộm”
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đối với kinh tế - xã hội, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng. Trong Quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng phụ trợ nông nghiệp; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; ngành du lịch, giao thông vận tải, kho bãi… cũng chịu ảnh hưởng lớn do tổng cầu giảm mạnh; thu hút đầu tư nước ngoài giảm. Một số lĩnh vực khác cũng chịu tác động lớn từ đại dịch là giáo dục - đào tạo, y tế, kinh doanh bất động sản...
Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào dẫn đến nhiều lao động mất việc làm. Tín dụng tăng trưởng chậm, nguy cơ gia tăng nợ xấu do các doanh nghiệp hoạt động khó khăn, đình trệ, không trả được nợ vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4 giảm sâu. Trong các tháng cuối năm, nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh, các biện pháp hạn chế đi lại, thông quan, thiếu nguồn cung đầu vào, hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn về thị trường đầu ra sẽ ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu…
Đi vào cụ thể, đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế cho biết, một trong những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm 2020 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng thiết yếu tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng.
Về đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.
Về xuất khẩu, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội…
Về một số lĩnh vực khác, vị đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị báo cáo kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc; việc tính toán giá điện trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh. Tình hình bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ còn nhiều bất cập...
Đối với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội, Ủy ban này đề nghị trên cơ sở dự báo thời gian khống chế được dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế của nước ta và trên thế giới, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi NSNN, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.
Cùng với đó là tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm nếu có xảy ra.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa. Phát huy vai trò của quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ rủi ro cho các doanh nghiệp, làm cơ sở tập trung nguồn lực, tăng hiệu quả sử dụng. Tăng cường theo dõi, dự báo, có giải pháp đón đầu việc tái mở cửa của các nước và xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam.
Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch để triển khai cho giai đoạn sau 2020...