Quy hoạch điện VIII: Tập trung đồng bộ và có chiều sâu
Nhìn lại Quy hoạch điện VII, một khối lượng lớn công việc đã được đề ra, nhưng do có các quan điểm khá cứng, từ quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án, thậm chí cả về nhà đầu tư phát triển các dự án... khiến việc triển khai thực hiện lúng túng, bị động và ảnh hưởng tiến độ dự án. Chính vì thế, Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh khá nhiều lần, trong đó, có việc dừng lại các dự án điện hạt nhân, một số trung tâm nhiệt điện than lớn ở khu vực Tây Nam bộ không triển khai được và nhiều dự án điện đầu tư theo hình thức BOT chậm tiến độ...
Ảnh minh họa |
Thực tế, hiện mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Quy hoạch điện VII được thực hiện; khoảng 72% khối lượng lưới điện 500kV và khoảng 80% khối lượng lưới điện 220kV được triển khai thực hiện. Điều này đã đặt ngành điện vào thế khó trong việc đảm bảo cung ứng điện. Quan trọng hơn, việc không hoàn thành được các dự án nguồn và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trong giai đoạn tới, đặc biệt là việc phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2020-2025, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ.
Với quan điểm đi trước một bước, không thể thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo, hạn chế phát triển nhiệt điện than gắn với khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện, việc xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) sẽ có những điểm khác cơ bản. Bởi lẽ, nếu Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điện truyền thống như: Thủy điện, nhiệt điện, tuabin khí… thì Quy hoạch điện VIII sẽ được xây dựng dựa trên sự bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo, nên cách thiết kế cũng đã phải khác so với trước để đảm bảo tính khách quan, khoa học và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng trong thời gian tới.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay đến 2025, Việt Nam cũng không thể để thiếu điện ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm này càng cần phải đưa vào quy hoạch để có được tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đảm bảo từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 ngành điện luôn được phát triển đi trước, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đạt trung bình trên 10%/năm. Dự báo, phụ tải điện vẫn còn tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2030 với tốc độ bình quân khoảng 8%/năm và khoảng 4% trong giai đoạn 2030-2045. Do đó, quy hoạch phát triển điện lực là một trong những công tác quan trọng, định hướng tương lai phát triển ngành điện, định lượng mục tiêu cung cấp điện, xác định quy mô, tiến độ của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.