Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần khả thi và hiệu quả
Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng để trình Chính phủ và Quốc hội. Mục tiêu của quy hoạch là nhằm kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững; tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn lực hữu hạn, việc có cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả được xem là mấu chốt để hiện thực hóa mục tiêu này.
WB khuyến nghị: Quy hoạch tổng thể phải khả thi và hiệu quả. |
Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại diện ban soạn thảo báo cáo quy hoạch cho biết, ban soạn thảo đã xây dựng các chỉ tiêu định lượng cho quy mô dân số năm 2030 khoảng 105 triệu người; năm 2050 khoảng 115 triệu người. Trong đó, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030; khoảng 6,5-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người. Tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2030 đạt trên 50%, đến năm 2050 đạt khoảng 70-80%. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; đến năm 2050 có trên 9.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành đường sắt tốc độ cao...
Đóng góp ý kiến vào dự thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị: Quy hoạch tổng thể không chỉ cần được xây dựng tốt mà còn phải khả thi và hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng do nguồn lực tài chính thì có hạn, trong khi tham vọng thay đổi sự phát triển không gian của quốc gia lại đòi hỏi những quyết sách cứng rắn khi đưa ra quyết định về những lĩnh vực cần ưu tiên nguồn vốn và lựa chọn đầu tư.
"Cần phải đảm bảo các kế hoạch đầu tư trung hạn được liên kết chặt chẽ, có thứ tự ưu tiên và theo đúng trình tự hướng tới kết quả nhằm cải thiện các quy hoạch tổng thể, phát triển không gian quốc gia và khu vực, trong phạm vi dự báo đáng tin cậy về khả năng chi trả của ngân sách", bà Carolyn Turk nói.
Hơn thế, đại diện WB cũng cho rằng cải thiện được quy trình đầu tư công cũng có nghĩa là các cơ quan chức năng nắm trong tay một công cụ quan trọng để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch tổng thể.
Nhìn sâu hơn vào cơ cấu đầu tư, TS. Lê Anh Tú, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn PwC Việt Nam phân tích: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, theo dự thảo, vốn đầu tư phát triển giai đoạn này đạt khoảng 35% GDP, tương đương khoảng 50 triệu tỷ đồng.
Trong đó, dự kiến cơ cấu huy động nguồn vốn từ khu vực kinh tế nhà nước cần hơn 10 triệu tỷ đồng, khoảng 20% tổng vốn đầu tư; Vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước dự kiến khoảng hơn 33 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 66% tổng vốn đầu tư; Thu hút vốn FDI cần đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, chiếm 14% tổng vốn đầu tư. Như vậy, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư đến năm 2030.
"Điều này đòi hỏi một số thay đổi quan trọng, đặc biệt từ chính sách, quy hoạch, sắp xếp thể chế, thực hiện và quản lý các dự án theo phương thức PPP để thu hút tư nhân tham gia đầu tư", ông Tú nhấn mạnh và chỉ ra: mặc dù có nhiều đổi mới nhưng khuôn khổ pháp luật cho PPP hiện tại vẫn còn thiếu các quy định cụ thể và hướng dẫn kỹ thuật để phát triển và triển khai dự án PPP.
Ví dụ, chúng ta đang thiếu công cụ sàng lọc PPP và ước định giá trị tiền tệ; phân bổ rủi ro và lựa chọn các mô hình PPP phù hợp; thiếu các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động đầu ra của dự án PPP để đo lường hiệu quả thực hiện.
Vì vậy, cũng như quan điểm nhiều chuyên gia, đại diện PwC cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP. Bên cạnh đó Việt Nam có các cơ chế và chính sách để nâng cao năng lực thể chế, để thực hiện các dự án PPP, bao gồm: năng lực thiết lập thể chế, lập kế hoạch, chuẩn bị, phân bổ rủi ro, mua sắm và thực hiện dự án.
TS. Lê Anh Tú cũng chỉ ra: Nếu mục tiêu thu hút vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 66%, thì phần lớn các vốn đầu tư này sẽ được thu hút và thực hiện ở cấp độ chính quyền địa phương. Do đó trong báo cáo quy hoạch tổng thể phần liên quan đến giải pháp và nguồn lực, nên tập trung vào việc tăng mức độ tín nhiệm của các chính quyền cấp tỉnh/thành phố, tăng cường các nguồn tài chính/cơ hội để đa dạng hóa các công cụ tài chính và cho phép các chính quyền cải thiện các nguồn tài trợ...
Bên cạnh đó Việt Nam cũng có thể tính đến các công cụ tài chính sáng tạo như tín chỉ các-bon (carbon credits) và công cụ thu hồi giá trị từ đất (land value capture) đã, đang được áp dụng trên thế giới nhưng chưa được khai thác ở Việt Nam; và cũng chưa được đưa ra trong bản báo cáo tóm tắt quy hoạch này.
Theo ông Tú, các công cụ này sẽ cung cấp nguồn thu bổ sung để có thể cải thiện khả năng tài chính của các dự án do khu vực tư nhân tài trợ.
Đồng thời Việt Nam cần thiết phải xây dựng cơ chế và chính sách về thực hành và báo cáo về quản trị bền vững - ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cho cả khu vực kinh tế công và tư ở Việt Nam.
Trong đó, đối với khu vực tư không chỉ định hướng thu hút các doanh nghiệp lớn, có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới đầu tư vào địa bàn các vùng động lực, hình thành những cụm liên kết ngành, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước, mà còn thu hút các doanh nghiệp lớn có cam kết và thành tích trong việc thực hành và báo cáo ESG.
Việc có các cơ chế và chính sách khuyến khích việc thực hành và báo cáo ESG ở khu vực công sẽ tăng cường tính minh bạch về thực hành ESG của Việt Nam trong nỗ lực phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.