Ra mắt Báo cáo Kinh tế TP. Hồ Chí Minh “Phục hồi và Thách thức”
Chiều ngày 29/7/2024, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện chuỗi Báo cáo thường niên Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
Đây là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do tiếp nối thành công của ấn phẩm đầu tiên “Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP. Hồ Chí Minh: Kết quả 2023 và Dự báo 2024” ra mắt vào năm 2023, nghiên cứu về Kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong 06 tháng đầu năm 2024 chính thức được công bố với tiêu đề “Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và thách thức”.
Ấn phẩm cung cấp cái nhìn toàn diện về kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong 06 tháng đầu năm 2024, kết quả đã đạt được, phân tích các thách thức, dự báo khả năng phục hồi, cũng như đề xuất các chính sách gợi ý cho chính quyền Thành phố. Theo đó, ấn phẩm có 3 nội dung chính gồm Tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam; Tăng trưởng kinh tế TP. HCM 6 tháng đầu năm 2024; Triển vọng kinh tế TP. HCM 6 tháng cuối năm 2024 và gợi ý chính sách.
Tại sự kiện giới thiệu và ra mắt ấn phẩm, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm ra mắt “Báo cáo Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Phục hồi và Thách thức”. Đồng thời, tạo ra một diễn đàn để trao đổi, thảo luận kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách trên địa bàn Thành phố.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và đạt được mức tăng trưởng tương đối cao so với dự báo, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng là Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh thuận lợi này, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP tương đối cao trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi ổn định của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ. Xuất khẩu là một yếu tố đóng góp vào sự phục hồi của tổng cầu. Trong khi đó, tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp tiêu dùng nội địa) vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ so với xu hướng trước Đại dịch COVID-19.
TP. Hồ Chí Minh cũng đạt được mức tăng trưởng GRDP tương đối cao trong 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ đang có mức tăng trưởng cao và ổn định nhất, theo sau là công nghiệp. Lĩnh vực xây dựng vẫn còn tăng trưởng khá khiêm tốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ hồi phục của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến từ tiêu dùng, tiếp đến là xuất khẩu. Trong đó, tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng trưởng nhỉnh hơn cả nước, còn xuất khẩu lại tăng trưởng tương đối thấp hơn cả nước.
Nhiều chỉ số cho thấy các doanh nghiệp nội địa tại TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc trong hoạt động đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2024.
Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024, xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên tất cả các nền kinh tế này đều đang phải đối mặt với các vấn đề khó khăn riêng và chưa thực sự đi vào quỹ đạo hồi phục một cách vững chắc. Vì thế rủi ro và bất ổn vẫn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.
Theo nhận định của nhóm tác giả, nhóm chính sách quan trọng mà TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung cần phải chú trọng nhiều hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 là nhanh chóng kích cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa. Nhóm chính sách này vừa giúp tổng cầu hồi phục nhanh hơn và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, qua đó giảm thiểu tính chu kỳ của nền kinh tế trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Vấn đề này sẽ càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung phải thích nghi với nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên rủi ro và bất định.
Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2024, cộng thêm việc TP. Hồ Chí Minh quyết liệt triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp thì cả năm 2024 TP. Hồ Chí Minh có thể đạt mức tăng trưởng 7-7,5%. Quan trọng hơn cả con số tăng trưởng năm 2024, TP. Hồ Chí Minh cần phải tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp TP. Hồ Chí Minh nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn.