Rủi ro gia tăng, cần các chính sách đồng bộ và quyết liệt để phục hồi kinh tế
Tăng trưởng dưới mức tiềm năng rất xa
Ngày 25/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021. Chủ đề Hội thảo và Ấn phẩm thường niên năm nay là “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống là nhận định được nhóm chuyên gia nghiên cứu của NEU đưa ra. Theo PGS.TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học của NEU, đồng chủ biên ấn phẩm này, dựa trên các phương pháp ước lượng, mức tăng trưởng tiềm năng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nằm trong khoảng 6,12-6,32%/năm. Trong khi 2 năm gần đây, nền kinh tế đều hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng nói trên rất xa, cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống.
Khi tăng trưởng kinh tế dưới mức tiềm năng, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả trong khi cung tiền và tín dụng ở mức rất cao (tính theo tỷ lệ trên GDP) sẽ là yếu tố gây áp lực lớn đến lạm phát và rủi ro vĩ mô trong trung và dài hạn.
Đi kèm với tăng trưởng giảm, chất lượng của tăng trưởng đo lường thông qua tăng trưởng TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) và năng suất lao động đều giảm.
Cụ thể, tốc độ tăng TFP của Việt Nam năm 2021 là -1,6%, so với tăng 0,7% năm 2020, trong khi hầu hết các nước trong khu vực và Trung Quốc đều có sự cải thiện đáng kể. Trong khi đó, năng suất lao động chỉ tăng 4,71%, thấp hơn 4,9% năm 2020 và là thấp nhất từ năm 2014 cho đến nay. năng suất lao động theo ngang giá sức mua (PPP) bằng 1/3 của Malaysia, 1/1,7 của Trung Quốc và Thái Lan.
Mục tiêu tăng trưởng năm nay vẫn có thể đạt được
Mặc dù các chuyên gia của NEU dự báo năm nay vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như đặt ra, nhưng để đạt được thì đồng nghĩa với khó giữ được mục tiêu lạm phát dưới 4%.
Theo đó, các động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay đến từ khu vực kinh tế đối ngoại (đóng góp lớn đến từ sản xuất sản phẩm chế biến chế tạo và xuất khẩu); Đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn, bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn; Chính sách đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm được thực hiện giúp tăng các mức chi tiêu; Lĩnh vực sản xuất và ngành dịch vụ có cơ hội hồi phục mạnh, đóng góp lớn trong tăng trưởng; Dự báo tăng trưởng TFP và năng suất lao động được cải thiện.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm 2022 cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Bên cạnh yếu tố đại dịch COVID-19 còn khó lường thì các bất ổn chính trị thế giới leo thang, giá dầu và hàng hóa cơ bản khác tăng mạnh có thể khiến đà hồi phục toàn cầu bị đe dọa, theo đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
Việc chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát khiến cho dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn, tác động đến dư địa điều hành chính sách trong nước.
Trong khi đó, những rủi ro bất ổn trong nước vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là sức ép lạm phát đến từ cả yếu tố chi phi đẩy và cầu kéo. Do đó, mặc dù tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% nhưng mục tiêu lạm phát dưới 4% khó đạt được.
Các chuyên gia của NEU cũng lưu ý, trong khi những khó khăn, rủi ro của khu vực kinh tế thực cuối cùng có thể sẽ lây nhiễm sang khu vực tài chính tiền tệ thì những rủi ro của khu vực tài chính tiền tệ như chất lượng tín dụng, nợ xấu tăng, thị trường chứng còn chưa thực sự lành mạnh… cũng có thể tác động ngược trở lại đến các khu vực khác, đặc biệt đến tiềm năng tăng trưởng và hồi phục của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ và lành mạnh thị trường tài chính
Về khuyến nghị, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh các chính sách cần tập trung hướng đến hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19”.
“Để đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Tuy nhiên, chính sách cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô”, PGS. TS. Tô Trung Thành cho biết.
Trong bối cảnh dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch, đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.
Các chuyên gia của NEU cho rằng, chính sách tài khóa là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay. Theo đó, cần triển khai chính sách tài khoá nghịch chu kỳ mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao để ưu tiên cho tăng trưởng. Việc gia tăng hỗ trợ tài khóa ở mức khoảng 5-6% GDP trong ít nhất 2-3 năm là phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý, chính sách chỉ hiệu quả khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả.
“Hiệu quả chi tiêu công sẽ là nhân tố quyết định bền vững nợ công. Cần cải cách thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đảm bảo giải ngân nhanh chóng nhưng phải có hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng”, báo cáo của NEU nhấn mạnh.
Để hóa giải các rủi ro và lành mạnh hóa tài chính, các chuyên gia khuyến nghị đối với thị trường chứng khoán cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm; Đa dạng hoá sản phẩm chứng khoán, phát triển các nhà đầu tư tổ chức; Xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro hệ thống nhằm đảm bảo tính ổn định cho toàn thị trường; Đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán.
Đối với thị trường bất động sản, cần xem xét trái phiếu doanh nghiệp bất động sản như một khoản nợ bất động sản dưới chuẩn. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp theo hướng loại bỏ mọi mọi xung đột lợi ích trên thị trường. Đồng thời, có các giải pháp đồng bộ để giảm đầu cơ trên thị trường bất động sản, loại bỏ xung đột lợi ích cơ bản trên thị trường bất động sản, tính tới nhanh chóng áp dụng Luật Tài sản.
Đối với hệ thống ngân hàng, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 cũng như rà soát các luật khác có liên quan tới xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.