San sẻ gánh nặng với ngân hàng
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao thành quả ngành Ngân hàng |
Chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, các hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng bắt nhịp trở lại. Nhiều doanh nghiệp tái khởi động bộ máy để thực hiện đơn hàng của quý I và bắt đầu tìm kiếm đơn hàng cho quý II, quý III. Bước sang năm mới với nhiều dự định, tuy nhiên vốn vẫn là vấn đề khiến nhiều chủ doanh nghiệp đau đầu. Đặc biệt khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế được kỳ vọng sẽ san sẻ gánh nặng cùng hệ thống ngân hàng - lại chưa phát triển đúng như kỳ vọng.
Theo TS. Nguyễn Thị Nhung, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, huy động vốn thông qua trái phiếu là một hình thức huy động vốn hiệu quả, chi phí thấp đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn, đặc biệt là vốn trung dài hạn. Đứng trên góc độ nhà đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư phổ biến với lợi nhuận ổn định và tính thanh khoản cao trên thị trường thứ cấp.
Cần phát triển đồng bộ thị trường vốn để chia sẻ gánh nặng với các nhà băng |
Tuy nhiên, hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo PGS.TS Trần Đăng Khâm - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sự tăng trưởng không đồng đều về khối lượng phát hành và chất lượng trái phiếu dẫn đến thị trường dễ bị tác động bởi bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách pháp lý hay tâm lý thị trường.
Bên cạnh đó, cơ cấu nhà đầu tư chưa đa dạng, chủ yếu từ hai nhóm là công ty chứng khoán và NHTM trong nước; cơ cấu kỳ hạn trái phiếu chưa phù hợp, bình quân kỳ hạn thấp…
Đặc biệt, theo Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhà đầu tư đang có những lo ngại, mất niềm tin trên thị trường trái phiếu khi nhiều vụ việc xảy ra với những doanh nghiệp quy mô, tương đối có uy tín. Tuy nhiên, về lâu dài doanh nghiệp không thể dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, theo ông Đức, cần tạo lập lại niềm tin trên thị trường, một khi niềm tin quay trở lại, thị trường sẽ nhanh chóng bình ổn.
Muốn làm được vậy, theo các chuyên gia cần có những giải pháp mang tính dài hơi hơn là những giải pháp tình thế được đề ra tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước. Theo đó các quy định hiện tại vẫn theo hướng thắt chặt, khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu do khó đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm… Nhiều quy định khắt khe với nhà đầu tư cá nhân sẽ khiến thị trường thiếu người mua.
Cùng với đó, cần có chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đối với các nhà đầu tư trong nước, cần có chính sách thúc đẩy hoạt động của các trung gian đầu tư như các quỹ đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm, phát triển mô hình ngân hàng đầu tư ở Việt Nam.
Tăng trưởng tín dụng linh hoạt, thận trọng
Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó, ngân hàng vẫn tiếp tục phải đảm nhiệm vai trò kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Năm 2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng khoảng 14,17% một con số không hề nhỏ, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.
Cũng có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng có thể rộng tay hơn để hỗ trợ kinh tế phục hồi nhanh hơn. Về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, điều kiện vốn đầu tư của nền kinh tế còn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức cao (trên 120%), có thể thấy hệ thống TCTD đang chịu áp lực cung ứng vốn tín dụng để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các TCTD vẫn còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế (nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm đến 80% trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 48%), dẫn đến gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản, kéo theo sức ép và rủi ro lên hệ thống các TCTD.
Nhiều tổ chức quốc tế như WB cảnh báo Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới; Moody’s cũng cảnh báo Việt Nam về những bất ổn vĩ mô nếu để kéo dài tình trạng rủi ro về thanh khoản kỳ hạn vốn. Tuy nhiên những khó khăn của thị trường vốn, nhất là những tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua và hiện nay, tình trạng đầu tư công giải ngân chậm, càng tạo sức ép lên tín dụng ngân hàng khi tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của cả hệ thống ngân hàng ở mức cao, khoảng trên 100% đối với VND.
Vì vậy, Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, mục tiêu tiên quyết của NHNN đó là điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo TCTD tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ… Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng.
Giới chuyên môn nhận định, chính sách tiền tệ với bản chất là điều chỉnh cho các mục tiêu ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Chính sách này ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải bảo đảm an toàn hệ thống. Để tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản... Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.