Số liệu tổng sản phẩm: Không còn tình trạng “Trăm hoa đua nở”
Khắc phục tình trạng “vênh” số liệu
Phát biểu khai mạc Hội nghị “Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trước đây, chỉ tiêu GRDP do Cục Thống kê biên soạn và công bố chưa phản ánh sát thực trạng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong một thời gian dài, chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố và chỉ tiêu GDP của cả nước diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng qua từng năm, thậm chí có năm lên tới 2 con số. Từ đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ảnh minh họa |
“Chính vì vậy, Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu GRDP do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 (Đề án 715) ra đời và đi vào cuộc sống để giải quyết vấn đề này”, bà Hương nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả sau 5 năm thực hiện đề án, quy mô GDP và GRDP đã được xem xét rà soát, đánh giá lại nhằm phản ánh đầy đủ hơn về phạm vi và kịp thời cập nhật những biến động kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố trên cơ sở nguồn thông tin, công cụ biên soạn ngày càng được hoàn thiện hơn.
Thông tin cụ thể về vấn đề này, ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết: Thực hiện Đề án 715, Tổng cục Thống kê đã trực tiếp biên soạn và công bố 8 kỳ số liệu GRDP cho 63 tỉnh, thành phố, bao gồm 4 kỳ 6 tháng đầu năm và 4 kỳ cả năm. Nhờ thực hiện quy trình biên soạn chặt chẽ, thống nhất nên chất lượng số liệu GRDP do Tổng cục Thống kê trực tiếp biên soạn và công bố đã nâng lên, phản ánh chính xác hơn thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Theo ông Hùng, số liệu GRDP đã được các đối tượng dùng tin, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương tin cậy sử dụng. Trong xây dựng văn kiện đại hội đảng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vừa qua, lãnh đạo của 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thống nhất sử dụng số liệu GRDP giai đoạn 2010-2020 do Tổng cục Thống kê trực tiếp biên soạn và công bố.
“Số liệu GDP và GRDP cộng dồn từ 63 tỉnh, thành phố đã dần tiến sát gần nhau, có thể lý giải bổ sung cho nhau, không còn tình trạng “trăm hoa đua nở”, tùy tiện tính toán ở các địa phương khiến số liệu GDP và GRDP ngày càng cách xa nhau như trước đây”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Về phía địa phương, ông Lê Ngọc Bảy - Cục trưởng Cục Thống kê TP. Cần Thơ cho biết: Sau 5 năm thực hiện, số liệu GRDP của Tổng cục Thống kê công bố đã góp phần tích cực đối với công tác tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Số liệu trên đã trở thành nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý cao được Thành ủy, UBND lấy làm cơ sở trong chỉ đạo điều hành. Đồng thời cũng là căn cứ để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thành phố giai đoạn 2015 - 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2020 - 2025.
Cần tiếp tục đổi mới quy trình biên soạn
Góp ý một số hạn chế trong việc thực hiện Đề án trong 5 năm vừa qua, ông Lê Ngọc Bảy cho rằng: Hiện nay, một số hoạt động kinh tế chưa được thu thập đầy đủ. Hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị che giấu một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế…
Cùng với đó, việc thu thập thông tin đầu vào một số đơn vị đối với Cục Thống kê còn khó khăn, đơn cử như: ước tính các chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước; thu thuế hải quan; hoạt động kinh doanh xổ số. Thời gian dành cho công tác rà soát giá trị sản xuất (GO) và cho ý kiến đóng góp về kết quả GRDP giữa Cục Thống kê với Tổng cục Thống kê quá ngắn không đảm bảo công tác rà soát, đối chiếu hiệu quả nhất…
Chính vì vậy, ông Lê Ngọc Bảy đề xuất Tổng cục Thống kê cần công bố số liệu GRDP của Tổng cục Thống kê giữa các kỳ (ước tính, sơ bộ, chính thức) để hạn chế sự chênh lệch với các địa phương; đồng thời, sớm triển khai Đề án thu thập thông tin thống kê các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và đưa vào tính GRDP để đảm bảo phản ánh đúng, sát quy mô kinh tế của cả nước và của từng địa phương.
Ông Bảy cho biết, tới đây Cần Thơ sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ thống kê, tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành ở địa phương để có thể tạo thuận lợi cho quá trình thống kê GRDP.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính cũng chia sẻ một số vướng mắc như: Theo quy định hiện hành, DN bảo hiểm không phải báo cáo số lượng lao động chia theo tỉnh, thành phố cho Bộ Tài chính, chính vì vậy bộ không thể tổng hợp số lượng lao động thị trường bảo hiểm cho tỉnh, thành phố. Đại diện Bộ Tài chính đề xuất nên có những phương pháp khác nhau để tổng hợp số liệu này, trong dài hạn cần xem xét yêu cầu công ty bảo hiểm báo cáo số liệu.
Hay như để tránh trùng lặp, tiết kiệm thời gian trong việc dự báo thống kê cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có tích hợp các công nghệ tiên tiến, thông minh trong hoạt động thống kê. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng theo hướng tích hợp các số liệu, tận dụng các số liệu đã có, tránh xây dựng quá nhiều dữ liệu riêng lẻ. Bên cạnh đó, cần chủ động cung cấp số liệu GDP, GRDP cho Bộ Tài chính theo định kỳ để bộ khai thác sử dụng và cung cấp cho các cơ quan tài chính địa phương để phục vụ công tác điều hành, lập kế hoạch, đánh giá tài chính ngân sách nhà nước và địa phương.
Về phía Tổng cục Thống kê, chia sẻ về phương án thực hiện đề án trong thời gian tới, ông Dương Mạnh Hùng cho biết sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và quy định về biên soạn, công bố GRDP; nâng cao số lượng và chất lượng thông tin đầu vào.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian công bố số liệu ước tính GRDP 6 tháng vào ngày 25/5, thay vì 30/5 như hiện nay và công bố số liệu ước tính GRDP cả năm vào ngày 20/11, thay vì 30/11 cho phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của địa phương và các tổ chức, cá nhân khác.