Sửa đổi Luật Đầu tư công: Khắc phục căn bản những vướng mắc, khơi thông các nguồn lực
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024 theo quy trình 01 kỳ họp và nếu Luật này được thông qua tại kỳ họp này, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 sẽ rất kịp thời trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày các nội dung dự kiến sửa đổi tại Luật Đầu tư công, trong đó tập trung vào 05 nhóm chính sách, gồm: (1) Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; (2) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (3) Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; (4) Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); (5) Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Tâm trình bày các nội dung dự kiến sửa đổi |
Trong đó, đáng chú ý đối với nhóm chính sách Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước, dự kiến các nội dung gồm: Cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án; Cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Cho phép Ban Quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án...
Với nhóm chính sách Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài), dự kiến các nội dung: Bổ sung quy định về việc cho phép giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài nguồn NSTW độc lập với kế hoạch cho vốn vay lại; Đơn giản hóa nội dung liên quan đến Đề xuất dự án; bổ sung hoạt động lập Đề xuất dự án vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn cho nhiệm vụ lập Đề xuất dự án; Phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA; Bổ sung quy định về thời gian bố trí kế hoạch vốn các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài; Làm rõ quy định cơ quan gửi đề xuất dự án sử dụng vốn ODA cho doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước cấp 2 làm chủ đầu tư; Đơn giản hóa việc thực hiện dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại...
Đối với nhóm chính sách đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, dự kiến các nội dung, gồm: Đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; Cắt giảm thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; Quy định danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là danh mục dự kiến; Bổ sung quy định khái niệm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án để làm rõ các bước triển khai dự án...
Cùng với đó, quy định một số nội dung cụ thể nhằm thống nhất cách hiểu, cách triển khai như: Các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản; phân định phạm vi dự án đầu tư công và nhiệm vụ chi thường xuyên; cập nhật đối tượng sử dụng vốn đầu tư công…
Đại diện các địa phương tham gia ý kiến |
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện các địa phương cho rằng, quá trình thực hiện Luật Đầu tư công hiện hành có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nhằm tạo không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, các đại biểu bày tỏ đồng tình, thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công, cũng như các nhóm chính sách được đề xuất, thể hiện tính đột phá vì mục tiêu phát triển, lợi ích của quốc gia trong lĩnh vực đầu tư công, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý được Đảng và Nhà nước giao về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn NSTW; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đầu tư công; cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp; thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến góp ý; nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, tiến độ khẩn trương, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội tới đây, yêu cầu về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại hội thảo |