Tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc trong chuyển đổi số ngân hàng
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Kim Anh; ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học Ngân hàng; ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
Về phía Hàn Quốc, có ông Kwon DaeYoung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Hàn Quốc; ông Seo Seung Hyeon, Trưởng khối kinh doanh toàn cầu Shinhan Bank Hàn Quốc; ông Park Bae Cheol, Phó chủ tịch Viện Thông tin tín dụng Hàn Quốc; ông Yoon Sang Key, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kang GewWon, Tổng giám đốc Shinhan Bank tại Việt Nam…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Yoon Sang Key, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, suốt 30 năm qua mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc đã được dựng xây và gắn kết bằng niềm tin vững chắc và trở thành những người bạn đồng hành trên nhiều lĩnh vực. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Hàn Quốc đã tăng cường đầu tư, hợp tác tại việt Nam; kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt mức cao nhất vào năm 2021 với 80,7 tỷ USD và mục tiêu đạt 100 tỷ USD trong thời gian tới đang đến rất gần.
“Nhờ vào sự hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân giữa hai nước sôi động, nhiều ngân hàng thương mại lớn và các công ty tài chính tại Hàn Quốc đã gia nhập thị trường Việt Nam để cung cấp các dịch vụ cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Qua đó, việc trao đổi công nghệ trong ngành tài chính – ngân hàng giữa hai quốc gia được diễn ra mạnh mẽ”, ông Yoon Sang Key khẳng định.
Đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc trên các lĩnh vực, trong đó có hoạt động ngân hàng, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, những kết quả này đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác về mọi mặt của hai quốc gia và Hàn Quốc là một trong những quốc gia có sự hiện diện nhiều nhất vào các định chế tài chính tại Việt Nam, góp phần vào thành công của hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Việt Nam – một xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Cùng chung nhận định này, ông Seo Seung Hyeon, Trưởng khối kinh doanh toàn cầu Shinhan Bank Hàn Quốc cho biết, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của quá trình số hóa dựa trên thành tự kỹ thuật phát triển, những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng hay sự “lấn sân” sang lĩnh vực tài chính – ngân hàng của các công ty công nghệ lớn đã làm xuất hiện cấu trúc cạnh tranh hoàn toàn mới. Điều này đã giúp xu thế chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng là không thể né tránh.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại Việt Nam, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, Chiến lược Chuyển đối số Quốc gia cũng xác định ngân hàng là một trong những ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số cao, có ảnh hưởng hàng ngày đến cuộc sống của người dân và cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Để triển khai chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, NHNN Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đối số ngành Ngân hàng do Thống đốc NHNN làm trưởng ban, thành viên là thủ trưởng các đơn vị vụ, cục chức năng của NHNN và chủ tịch hoặc tổng giám đốc của một số tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán. Đồng thời, NHNN cũng ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030 với một số mục tiêu rất cụ…
Nhờ có sự chủ động, tích cực của toàn ngành Ngân hàng với tinh thần “lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu “, ngành Ngân hàng đã đặt hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số rất đáng khích lệ.
Nhiều định chế tài chính của Hàn Quốc tại Việt Nam đã chủ động xây dựng lộ trình chuyển đổi số, tận dụng kinh nghiệm, nguồn lực từ các ngân hàng “mẹ” để ứng dụng công nghệ, tự động hóa hoạt động nghiệp vụ và cung ứng các dịch vụ số đến khách hàng tại Việt Nam. Quá đó góp phần cùng các ngân hàng của Việt Nam kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống, Phó Thống đốc khẳng định.
Chia sẻ thêm về kết quả chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, ông Lê Văn Tuyên, đại diện Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số của Ngành ngày càng được hoàn thiện. Qua đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích thử nghiệm công nghệ mới, tạo thuận lợi cho chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử; thúc đẩy tự động hóa một số nghiệp vụ ngân hàng, củng cố quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm soát nội bộ bằng phương thức điện tử, tạo thuận lợi cho việc kết nối, thu thập, khai thác, xử lý chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật ngày càng được nâng cấp với 20,6 nghìn ATM, 81 ngân hàng có Internet Banking, 51 ngân hàng có Mobile Banking, hơn 100 nghìn điểm thanh toán QR, 370 nghìn POS; 48 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai Mobile Money… Giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99,64% về lượng và 114,25% về giá trị trong 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước; 100% các nghiệp vụ thanh toán đều được số hóa hoàn toàn; tăng trưởng bình quân giao dịch qua kênh Mobile Banking đạt 90%...
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi của ngành Ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng. Trước mắt là trình Chính phủ Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt sửa đổi và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính; rà soát, sửa đổi quy định về hoạt động cho vay để cho phép thực hiện bằng phương thức điện tử và các quy định về an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
NHNN cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ và tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và hoạt động liên tục của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch thanh toán bán lẻ, giá trị thấp, các hệ thống thông tin quan trọng khác của ngành Ngân hàng.
Bên cạnh đó, tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe những chia sẻ từ các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số ngân hàng của Việt Nam và Hàn Quốc.
Hội thảo chuyên đề lần này là động lực để Shinhan Bank tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phát triển ngân hàng số hiệu quả, hướng đến mục tiêu “trở thành ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030”. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội quý giá để Shinhan Bank nâng cao vai trò là cầu nối xây dựng mối quan hệ hợp tác phát triển ngân hàng số giữa Việt Nam và Hàn Quốc, củng cố và duy trì hợp tác tài chính bền vững giữa hai nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong tương lai, đại diện Shinhan Bank khẳng định.