Tăng trưởng kinh tế 2,91%
Điểm sáng trong Covid-19
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước và GDP cả năm ước tăng 2,91%. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tuy mức tăng GDP quý IV và năm 2020 đều là thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020; nhưng trong bối cảnh Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề thì đây vẫn là thành công lớn và tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng phục hồi rõ nét qua từng quý: GDP quý I tăng 3,68%, quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2020 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020 |
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết thêm, với sự quyết tâm, nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh của Chính phủ, tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 có những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tuy giảm 2,3% so với năm trước, nhưng vốn đăng ký bình quân một DN đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%.
Một thành công nữa là dù năm qua nền kinh tế đối mặt với nhiều cú sốc, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019. Các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được giữ vững. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Nhờ đó cán cân thương mại hàng hóa ước tính thặng dư tới 19,1 tỷ USD trong năm 2020, lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, di hại của dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn ở nhiều ngành và cả năm 2020 có 101,7 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Mặc dù vậy, nhìn lại năm 2020 với những kết quả đã đạt được, các chuyên gia đều đánh giá cao điều hành của Chính phủ trong cả chống dịch và phục hồi kinh tế với những biện quyết liệt và kịp thời, trong đó có những giải pháp chưa từng có và rất mạnh mẽ. “Mặc dù tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài suy giảm nhưng đầu tư Nhà nước tăng mạnh đã phần nào chặn đà suy giảm của tổng đầu tư. Nói cách khác, Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa “phản chu kỳ” trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, TS. Phạm Sỹ An – Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra một dẫn chứng.
Tự tin vào đà phục hồi năm tới
Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được sẽ là bước đệm cho năm sau và cũng tạo nên hy vọng mới. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng cho thấy rõ điều đó khi có tới 81% DN đánh giá triển vọng kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2020.
Theo các chuyên gia kinh tế, bức tranh kinh tế - xã hội 2020 cũng đã cho thấy rõ Việt Nam đã có sức chống chịu tốt và thành quả này sẽ làm các nhà đầu tư thế giới và Việt Nam lạc quan hơn vào triển vọng tương lai. Nền kinh tế đã sớm trở lại trạng thái bình thường mới và sự phục hồi kinh tế theo chữ V đã được khẳng định.
Tại buổi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam "Điểm lại" của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 21/12/2020, WB cho rằng năm 2020 Việt Nam đã có được kết quả tích cực nhờ khả năng chịu đựng của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết định và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho các khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Chẳng hạn chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau ba năm thắt chặt tài khóa…
Tuy nhiên, năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức khi mà đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia của Tổng cục Thống kê và các chuyên gia kinh tế đồng quan điểm nhấn mạnh “Phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục và chủ động tận dụng cơ hội để đạt mục tiêu đặt ra cho năm 2021 và tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo”.
Trong đó, Tổng cục Thống kê đề nghị 6 giải pháp cho năm 2021. Trước hết cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, giảm thiểu hơn nữa thủ tục hành chính. Đặc biệt là cần có thêm các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời cần kích cầu đầu tư trong khối DN sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam. Và nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội nước ta có thuận lợi cơ bản là niềm tin của người dân, của cộng đồng DN vào sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, đúng đắn và kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; đồng thời chúng ta có những cơ hội phía trước cần nắm bắt và tận dụng tối đa như niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam đang tăng lên sẽ giúp cho Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các DN trong nước phát triển nhanh, hướng tới tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.