Tăng trưởng vùng Đông Nam bộ năm nay khó vượt quá 0%
Trong báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công khu vực Đông Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2021, khu vực này sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,2-6,5% mà giảm -0,13%.
Vùng này gồm TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước.
Vùng Đông Nam bộ là cực tăng trưởng kinh tế lớn nhất cả nước, là cửa ngõ gắn kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long |
Cho tới nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng trên địa bàn Vùng, tỷ lệ tử vong ở mức cao, nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới phức tạp; sức chống đỡ của hệ thống y tế, sức chịu đựng của doanh nghiệp, người dân đều đã tới ngưỡng. Toàn Vùng cũng đã trải qua thời gian giãn cách dài nên đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, công tác dự báo chưa kịp thời, không đạt chất lượng dẫn đến việc chuẩn bị về vật tư, y tế, nhân lực, nguồn lực… không sát thực tiễn, bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thêm.
Tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất đến Vùng thể hiện ở ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Các địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp - xây dựng như Bà Rịa - Vũng Tàu (70,21%), Bình Dương (67,5%), Đồng Nai (60,22%) tiếp tục khó khăn do thiếu nhiên liệu để sản xuất, thiếu chuyên gia kỹ thuật bậc cao, thiếu đơn hàng xuất khẩu, nhân công lao động và ngưng trệ sản xuất.
Trong vùng, khoảng 80% doanh nghiệp bị ngừng trệ hoạt động, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Tình trạng thất nghiệp và di cư về các địa phương gia tăng do các doanh nghiệp ngừng hoạt động, cắt giảm sản lượng, cắt giảm nhân công, tiềm ẩn áp lực về các vấn đề an sinh, xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
“Nhiệm vụ lớn nhất của Vùng hiện nay là khẩn trương kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân”, Phó Vụ trưởng Bùi Thị Thu Thủy nói.
Đồng thời, cần tập trung phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, sớm mở cửa lại nền kinh tế, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, không để đứt gãy sản xuất hàng hóa dẫn đến ngừng trệ sản xuất, mất việc làm của người lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Với năm 2022, trong kịch bản tối ưu là kiểm soát dứt điểm được dịch bệnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng dự kiến tăng khoảng 5 - 6,5% so với năm 2021; GRDP bình quân/người khoảng 141,36 triệu đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước hơn 572,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với ước thực hiện năm 2021; Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 115,89 tỷ USD, tăng hơn 10% so với ước thực hiện năm 2021.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, Vùng Đông Nam bộ cần khẩn trương thực hiện tổ chức lập quy hoạch tỉnh, thành phố, trong đó xác định vị trí, vai trò Vùng là một trong hai cực tăng trưởng kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển và kết nối các tỉnh, thành phố phía Nam và là cửa ngõ gắn kết giữa các địa phương trong Vùng với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, cần cơ cấu lại nền kinh tế, xác định rõ động lực tăng trưởng của từng địa phương và cả Vùng; đặt TP. Thủ Đức đúng vị trí, vai trò là động lực phát triển vùng đô thị của TP.HCM về phía Đông trong 10 năm tới; tạo cơ chế chính sách vượt bậc để TP.HCM có điều kiện phát triển; Bình Dương, Đồng Nai, Long An cần sắp xếp, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường phát triển du lịch sau dịch bệnh, giảm dần phụ thuộc khai thác dầu khí.
Các địa phương trong Vùng phát triển công nghiệp và nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ theo hướng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng.
Nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị các địa phương có tinh thần tiến công, quyết liệt, chủ động, nhất quán về chính sách, chuẩn bị môi trường đầu tư thuận lợi nhất và sẵn sàng nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh.