Tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển logistics
Để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế Hướng đến xanh hóa ngành logistics |
Trước hết là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành, từ đó nâng cao vị trí Việt Nam trên bản đồ logistics thế giới, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics mang tầm quốc tế. Để làm được điều này, khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cần phải tiếp tục được hoàn thiện, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành đạt kết quả tích cực, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Những năm gần đây, hạ tầng logistics phát triển nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại, thúc đẩy cơ cấu hợp lý, kết nối hài hoà các phương thức vận tải, giảm chi phí. Trong đó, hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá, hệ thống đường cao tốc đã đạt trên 2.000 km. Năng lực đường thủy nội địa được nâng cao, hình thành các cảng biển cửa ngõ, bến chuyên dùng gắn với các trung tâm công nghiệp; phát triển các trung tâm logistics ứng dụng công nghệ 4.0… Đã có 7.919 doanh nghiệp logistics thành lập mới trong năm qua, số lượng doanh nghiệp logistics tăng nhanh với trang bị hiện đại, khả năng cạnh tranh ngày càng cao. Hiện Việt Nam đứng đầu ASEAN về số doanh nghiệp được cấp phép vận chuyển đường biển đi và đến Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, hiện tại ngành logistics vẫn còn những hạn chế, tồn tại liên quan tới nhận thức, chưa khai thác hết tiềm năng, vị trí địa lý thuận lợi. chí phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, quy mô của ngành so với quy mô GDP Việt Nam và quy mô ngành logistics toàn cầu hạn chế. Nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, doanh nghiệp phát triển chưa mạnh, chưa có cơ chế để phát triển, mối liên kết giữa các phương thức vận tải với kho bãi, hạ tầng logistics còn lạc hậu… Theo ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), đồng thời là Tổng giám đốc Công ty T&M Forwarding, việc tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp logistics trong nước không chỉ giúp gia tăng sức cạnh tranh, mà còn tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và đồng bộ, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn về công nghệ, hệ thống quản lý và dịch vụ. Chính phủ nên khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực logistics để tăng cường đầu tư hạ tầng và kết nối quốc tế. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thông qua việc đẩy nhanh quá trình số hóa trong quản lý logistics, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hạ tầng. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp logistics trong nước có thêm động lực và điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn.
Năm 2024 là năm “nước rút” để các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các nhiệm vụ được giao nhằm đạt được mục tiêu về phát triển dịch vụ logistics đặt ra tại Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đồng thời, chuẩn bị cho việc hoàn thiện và ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn và giải pháp đột phá để tiếp tục tận dụng thời cơ, đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam thành ngành dịch vụ mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh phát triển nền kinh tế. |
Với xu thế hội nhập, thương mại quốc tế sẽ ngày càng phát triển, mặt khác thế giới phải đối mặt nhiều vấn đề mang tính toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được. Trong nước, với kỷ nguyên phát triển mới, chúng ta cần đẩy mạnh khai thác không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ, chuyển đổi số… Trong bối cảnh đó, logistics càng có vai trò quan trọng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển của đất nước và hội nhập, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chính vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, Trung ương cần chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; địa phương tăng cường tính tự lực, tự cường, chủ động, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo, tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; có thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển, thiết kế công cụ huy động nguồn lực, giám sát, kiểm tra.
“Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành logictics trở thành trung tâm khu vực và thế giới, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức hai con số mỗi năm, cần tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành xứng tầm với quan điểm “thể chế là nút thắt của nút thắt”, là “đột phá của đột phá”. Quan trọng phải phát triển được quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác…. Trên cơ sở đó, các cơ quan, địa phương chủ động triển khai các giải pháp, các bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển logistics, phát triển quốc gia thương mại tự do, các khu thương mại tự do ở biên giới, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới” - Thủ tướng chỉ đạo.