Tăng vốn điều lệ giải tỏa nhiều áp lực cho ngân hàng
Cơ hội từ chứng khoán khởi sắc
Theo báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng 2022 của Công ty Chứng khoán MBS, ước tính có khoảng 75% hoạt động tăng vốn đến từ chia tách cổ phiếu, 22% thông qua hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu, khoảng 3% đến từ phát hành ESOP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường chứng khoán nên nhiều ngân hàng đã tận dụng được cơ hội này thu hút nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư để hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2021-2022. Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV tăng thêm 10.365 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chốt quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 1 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 37.000 tỷ đồng lên hơn 47.000 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã đẩy nhanh tiến độ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ hơn 29%. Vào tháng 7/2021, VietinBank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và trở thành top 2 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Ngành.
Nếu theo đúng kế hoạch được công bố trong mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng vào giữa năm 2021 thì thị trường chứng khoán đón nhận thêm khoảng 5 tỷ cổ phiếu ngân hàng qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Trong đó, riêng BIDV, Vietcombank đã chiếm trên 40% cổ phiếu phát hành tăng vốn.
Cú hích đạt mục tiêu tăng trưởng
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng vốn điều lệ khá mạnh mẽ trong những năm qua còn vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước có cổ phần chi phối chỉ tăng khiêm tốn. Vì vậy, việc tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là rất cần thiết để nuôi dưỡng nguồn thu.
Bên cạnh đó, những tác động từ dịch Covid-19, áp lực về hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) cho ngân hàng theo Basel II phải được đảm bảo tại tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, chậm nhất đến ngày 1/1/2023 và cao hơn nữa là đang buộc các ngân hàng phải dồn dập tăng vốn điều lệ.
Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, khi rủi ro gia tăng thì hệ số CAR của các ngân hàng càng phải "dày" hơn để ứng phó tốt, hay nói cách khác giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động. Có như vậy, ngân hàng mới đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững, hiệu quả, an toàn theo chuẩn mực quốc tế
Hơn nữa, một số chuyên gia nhìn nhận, việc đáp ứng các chuẩn mực Basel của mỗi ngân hàng không chỉ là đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn là động lực để các ngân hàng tiếp tục giành thị phần trong thời gian tới, góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp cho ngân hàng giải tỏa được áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng khi tận dụng thời cơ của thị trường. Đại diện VietinBank cho biết, ngân hàng sẽ phát huy tối đa lợi thế quy mô vốn điều lệ dẫn đầu thị trường để tập trung nhận diện, khai thác triệt để cơ hội, tiềm năng thị trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, FDI và tiêu dùng, thương mại điện tử; chuyển đổi mô hình kinh doanh, tập trung vào các sản phẩm số hóa và chuyển dịch kênh; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, các cơ chế, hệ thống và nền tảng được đầu tư phù hợp để triển khai nhanh, mạnh mẽ các sản phẩm số hóa, nắm bắt cơ hội để dẫn đầu thị trường.
Ngoài ra, tăng vốn điều lệ còn giúp các ngân hàng tái cơ cấu danh mục tín dụng, nâng cao chất lượng, phát huy tối đa hiệu quả vào nền kinh tế. Đại diện BIDV cho biết, sau khi tăng vốn điều lệ ngân hàng sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, cho vay vốn đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, an toàn, có phương án/dự án kinh doanh khả thi, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), doanh nghiệp FDI có tiềm năng phát triển, lợi thế cạnh tranh; mở rộng kênh phân phối hiện đại và nâng cao chất lượng kênh phân phối trong nước, khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, để các ngân hàng đạt được mục tiêu tăng vốn điều lệ cũng không phải chuyện dễ dàng. Sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu nhưng chia sẻ với báo chí, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, cần luật hóa Nghị quyết này nhằm nâng cao tỷ lệ an toàn vốn và có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, trước mắt, thông qua việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…
Dù có nhiều mục tiêu và giải pháp nhưng một chuyên gia kinh tế từng khẳng định, mấu chốt của việc tăng vốn điều lệ là để bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, nên việc tăng vốn cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp như phân loại và quản lý nợ theo chuẩn mực quốc tế thì mới đạt mục đích đề ra.