Tăng vốn: Tăng năng lực quản trị rủi ro
Tăng vốn tiếp tục là mục tiêu trọng tâm
Tăng vốn tiếp tục là tâm điểm tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của các ngân hàng. Như tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, cổ đông Vietcombank đã thông qua hai phương án tăng vốn điều lệ khoảng 9.000 tỷ đồng. Trước đó, một loạt các nhà băng khác cũng đều đưa ra những kế hoạch tăng vốn của mình như BIDV có phương án tăng vốn điều lệ cho năm 2020 dự kiến là 6.230 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên 46.450 tỷ đồng; cổ đông SHB cũng đã thông qua phương án tăng vốn thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10%; các cổ đông Techcombank cũng đồng thuận cao với phương án thực hiện tăng vốn điều lệ năm 2020 lên 35.049 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 4,7 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên, với giá 10.000 đồng/CP.
Tăng vốn cũng là để ngân hàng bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn |
Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.617 tỷ đồng; ĐHĐCĐ ACB cũng thống nhất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% từ lợi nhuận năm 2019 để tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng; tăng 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ cũng là mục tiêu đặt ra của SCB trong năm 2020. VietBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 4.190 tỷ đồng hiện nay lên gần 4.819 tỷ đồng, nguồn để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận giữ lại của năm 2017-2019, với số tiền gần 629 tỷ đồng. LienVietPostBank cũng cho hay sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành; vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2019 là 10.746 tỷ đồng. Nhiều NHTM khác cũng lên kế hoạch chào bán cổ phần hoặc công ty con cho nhà đầu tư nước ngoài.
Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khiến các kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Theo chuyên gia, việc tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu chỉ là giải pháp tình thế và nguồn vốn này cũng sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy chỉ có cách tăng vốn cấp 1 bằng việc tăng phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư, đồng thời dừng việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt mới là biện pháp lâu dài và bền vững đối với các ngân hàng.
Về phía các NHTM Nhà nước - chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, NHNN tích cực phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này. Với trường hợp của Agribank, Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. Khoản tiền này bằng với lãi sau thuế nhà băng này nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng. Trong báo cáo giải trình về việc tăng vốn cho Agribank, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng nhấn mạnh: nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, khi ngân hàng này cung ứng đến 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Còn với VietinBank, hiện tại Bộ Tài chính, NHNN và các bộ, ngành liên quan đã trình Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn cho nhà băng này. Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cũng cho biết, các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi cơ sở pháp lý, Nghị định 91, 32 và các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo tăng vốn cho VietinBank trong thời gian tới.
Nâng cao năng lực quản trị rủi ro
Giới chuyên gia thừa nhận, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển trong dài hạn, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định chặt chẽ của NHNN, hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế cao hơn, giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tạo nguồn lực để phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả. Theo thông tin từ NHNN, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Tính tới hết quý I/2020, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 617,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 937,9 nghìn tỷ đồng, tăng 57,67% so với cuối năm 2016. Việc triển khai Chuẩn mực vốn Basel II tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, có 76 TCTD (trong đó có 02 NHTMNN, 20 NHTMCP, 02 ngân hàng liên doanh, 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, còn 14 TCTD đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.
Như trường hợp SHB, đầu tháng 5 vừa qua, nhà băng này đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, vốn tự có lên gần 34.000 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết, tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh của SHB trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vốn điều lệ tăng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Quan trọng hơn, đây là cơ sở để ngân hàng hoàn tất đầy đủ toàn bộ các trụ cột của Basel II.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, việc tăng vốn sẽ giúp các nhà băng nâng cấp hệ thống mạng lưới, hiện đại hoá hệ thống công nghệ để phục vụ công tác quản trị điều hành cũng như cung ứng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng theo hướng số hoá. Tăng được vốn cũng là để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ tăng trưởng tín dụng. Bởi theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, từ ngày 1/10/2021, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giảm xuống còn 34% và sẽ giảm tiếp xuống còn 30% từ sau ngày 1/10/2022.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, song song với việc tăng vốn, các ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, cần lưu ý là mỗi ngân hàng có năng lực tài chính và thực tế hoạt động khác nhau, nên chiểu theo đó việc tăng được vốn ở mỗi nhà băng sẽ phụ thuộc vào điều kiện từng nhà băng để đưa ra được một phương án phù hợp và khả thi nhất. Minh bạch thông tin tài chính, phân loại nợ xấu chính xác cũng là yếu tố hỗ trợ giúp cho quá trình tăng vốn điều lệ ngân hàng thuận lợi hơn.