Tạo điều kiện để ngân hàng bán lẻ bứt phá
Triển lãm ngân hàng bán lẻ thu hút sự tham gia của đông đảo khách mời |
Ngân hàng bán lẻ - xu hướng tất yếu
Từ những bước đi ban đầu cách đây 10 năm, cùng với xu thế hội nhập và phát triển của cuộc công nghiệp lần thứ 4 đến nay, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đã trở thành xu hướng chuyển dịch tất yếu và là chiến lược phát triển trọng tâm của các ngân hàng. Việc một số địa phương trong đó có TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách phòng chống dịch COVID-19, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các ngân hàng, song đây cũng là cơ hội để các ngân hàng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhằm thích ứng với tình hình mới.
Các chuyên gia phân tích, trong những năm vừa qua hoạt động ngân hàng nói chung và lĩnh vực ngân hàng bán lẻ nói riêng phát triển theo hướng hoàn thiện quy định pháp lý theo hướng tinh giảm thủ tục ngân hàng; thúc đẩy phát triển tài chính số, ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt; gia tăng hợp tác, kết nối giữa ngân hàng với các dịch vụ thanh toán, dịch vụ tài chính khác … tạo thành hệ sinh thái tài chính với ngân hàng giữ vị trí trung tâm.
Các ngân hàng cũng tăng cường đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để đa dạng hóa dịch vụ, hiện đại hóa quy trình, đảm bảo an toàn an ninh thông tin; tái định vị kênh phân phối để tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nhờ xu hướng phát triển của ngân hàng bán lẻ mà các ngân hàng giữ được tốc độ tăng trưởng, vượt qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng, hỗ trợ khách hàng trong lúc khó khăn (lũy kế 2 năm hệ thống ngân hàng đã miễn giảm hơn 37.500 tỷ đồng tiền lãi vay, miễn phí khoảng 80% số lượng giao dịch với số tiền 2.557 tỷ đồng).
“Sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2021 có đóng góp tích cực của dịch vụ bán lẻ”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Theo đó, năm 2021 tín dụng ngân hàng đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40% - 50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng gần 6% so với 2020.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao (qua kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%, thanh toán qua QRcode lên đến 200% so với 2020; tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12% …
Toàn cảnh Diễn đàn |
Chủ động gỡ điểm nghẽn pháp lý
Phân tích kỹ hơn về định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với hoạt động thanh toán trong chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ giai đoạn hậu COVID-19, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) đánh giá, COVID-19 là chất xúc tác để thúc đẩy chuyển đổi số ở hoạt động ngân hàng bán lẻ trong bối cảnh này, rút ngắn được 2 đến 3 năm chuyển đổi số của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng bán lẻ trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra đã xuất hiện những điểm nghẽn trong hành lang pháp lý đòi hỏi các cơ quan quản lý phải hành động để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, NHNN đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định về Cơ chế thử nghiệm (Sandbox) có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng sẽ hoàn thiện trong quý II/2022 để trình Chính phủ.
Về các văn bản hướng dẫn, NHNN đã chủ động lắng nghe ý kiến từ các tổ chức tín dụng, các công ty Fintech để ban hành 2 văn bản mang tính thực tiễn, đóng góp rất lớn cho ngành Ngân hàng trong chuyển đổi đó là Thông tư 16 và Thông tư 17. Bên cạnh đó, sau khi Quyết định số 316 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hoá, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) có hiệu lực, từ ngày 9/3/2021 đến nay đã có hơn 1 triệu tài khoản Mobile Money đi vào hoạt động. Đây cũng là một trong những dịch vụ góp phần phát triển hệ sinh thái số, đem đến nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Nhờ có hành lang pháp lý thuận lợi, hoạt động của ngân hàng bán lẻ có thêm nhiều thuận lợi. Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, ngoài việc kết nối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội…, để thanh toán thu chi ngân sách qua hệ thống ngân hàng, Agribank còn đa dạng hóa hệ sinh thái số bằng việc hợp tác với các công ty Fintech cung cấp cổng thanh toán hóa đơn tập trung với trên 15 loại dịch vụ khác nhau; triển khai ký thỏa thuận hợp tác với trên 2.000 nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện các dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng…
Hàng năm, Agribank có số lượng giao dịch với khách hàng đạt trên 30 triệu, tốc độ tăng trưởng đạt 35%; số lượng khách hàng mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ thanh toán luôn tăng trưởng ổn định, hoạt động thanh toán qua ngân hàng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Góp phần hạn chế tín dụng đen và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, để ngân hàng bán lẻ thực sự trở thành động lực giúp ngân hàng bứt phá trong giai đoạn “bình thường mới”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 2 nhóm giải pháp cho các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần thay đổi, cập nhật chiến lược, chính sách, quy trình; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, ngân hàng mở để thích ứng linh hoạt với điều kiện bình thường mới và nhu cầu mới của khách hàng; đẩy mạnh tự động hóa, số hóa; tiết giảm chi phí, cải thiện hiệu quả hoạt động; đầu tư công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, nhân sự số và kỹ năng số phổ cập;
Đồng thời chú trọng quản lý rủi ro mới, rủi ro an ninh mạng, dữ liệu; nâng cao năng lực tài chính và xử lý nợ xấu; tích cực đề xuất, góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN và bộ, ngành liên quan.
Cùng với đó, Chính phủ, NHNN cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phục hồi và tận dụng cơ hội chuyển đổi số, tiền kỹ thuật số, ngân hàng xanh với cách tiếp cận phù hợp; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp và ngành ngân hàng; phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm thực hiện tốt Chương trình phục hồi và kiểm soát lạm phát, rủi ro hệ thống; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng; luật hóa xử lý nợ xấu với điều chỉnh, lộ trình phù hợp.
Sự chung tay của các bộ, ngành liên quan, của bản thân các tổ chức tín dụng và khách hàng cũng là một yếu tố quan trọng dịch vụ ngân hàng bán lẻ phát triển, ông Lực nói.
Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam năm 2021 tiếp tục diễn ra Phiên chuyên đề thứ nhất tập trung giới thiệu các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, sáng tạo, hiệu quả và Phiên chuyên đề thứ hai, giới thiệu các giải pháp công nghệ giúp tinh giảm các quy trình nội bộ, mở rộng kết nối, kiến tạo các sản phẩm ngân hàng số trong chiều 25/3. Song song với đó, chương trình Triển lãm Ngân hàng Bán lẻ cũng được tổ chức nhằm cập nhật các thành tựu công nghệ tiên tiến nhất phục vụ phát triển ngân hàng số như bảo mật, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và các giải pháp giúp phân tích nhu cầu khách hàng, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, chương trình sẽ diễn ra Lễ công bố kết quả Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu. |