Tạo đột phá kinh tế trong thời kỳ phát triển mới
Duy trì lãi suất ổn định hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Thúc đẩy đầu tư công: Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam? |
Khẳng định vị trí đầu tàu trong nền kinh tế - xã hội
Tại Hội thảo khoa học “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề đặt ra cho TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ” do Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, vai trò là động lực kinh tế của cả nước, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ.
Đối với cả nước, thành phố đã có giai đoạn đóng góp đến hơn 20% GDP, 30% thu ngân sách, 25% giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại, đi đầu trong thu hút đầu tư FDI. Bên cạnh đó, điểm nổi trội của TP. Hồ Chí Minh còn được biết đến là nơi có truyền thống năng động, sáng tạo, đóng góp nhiều mô hình kinh tế cho cả nước trong giai đoạn trước Đổi mới và quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta.
Mặc dù vậy, thành phố đang đối mặt với thách thức suy giảm vị thế. Trong bối cảnh trên, Nghị quyết số 31-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước, hội nhập sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, với chìa khóa thành công là phát triển kinh tế xanh song hành kinh tế số, cùng sự đồng thuận và quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị để vươn lên cùng khát vọng của dân tộc, các điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng cần được nhanh chóng tháo gỡ, tập trung vào công tác xây dựng nền công vụ phục vụ phát triển và những công trình, dự án trọng điểm làm thay đổi bộ mặt thành phố, trên cơ sở triển khai hiệu quả Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Song song đó, những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho TP. Hồ Chí Minh đã được ban hành tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; Nghị định số 84/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh…
“Đây có thể được xem như những bước đầu “cởi trói” thể chế, tạo tiền đề để thành phố huy động mọi nguồn lực xã hội, cải cách hành chính, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữ vững vị thế đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước, hướng đến phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới. Song song đó, vùng Đông Nam bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, với TP. Hồ Chí Minh được xác định là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
TP. Hồ Chí Minh luôn giữ vững vị trí đầu tàu trong nền kinh tế |
Cần tháo gỡ các điểm nghẽn
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, mặc dù TP. Hồ Chí Minh hội tụ những tiềm năng lợi thế vượt trội, nhưng thực trạng liên kết vùng đến nay còn tồn tại nhiều bất cập và mang tính hình thức, thể hiện qua sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng thời gian gần đây. Nguyên nhân được lý giải là do tình trạng thiếu đồng bộ của mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, chậm tiến độ trong giải ngân đầu tư công và vấn đề cục bộ địa phương, cạnh tranh nội vùng trong hoạt động kinh tế dẫn đến triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.
Vì vậy, trên cơ sở đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, cho phép thí điểm những cơ chế mới, vượt trội, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh và kinh tế số để giải quyết những thách thức nêu trên, Nghị quyết số 24-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành hướng đến mục tiêu Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực... Hiệu quả công tác điều phối vùng từng bước được chú trọng sẽ góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, mang lại sự chuyển biến đột phá cho sự phát triển vùng trong giai đoạn mới.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhận định, mục tiêu đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh đạt GRDP/người khoảng 14.500 USD đang là thách thức lớn đối với thành phố. Bởi điều này có nghĩa là tốc độ tăng GRDP bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030 phải đạt 2 con số (khoảng 10-11%/năm).
Tuy nhiên, bước vào năm mới 2025, với quyết tâm chính trị cao, mang tính cách mạng của Đảng và Chính phủ trong việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hành chính các cấp, tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” là thể chế, xây dựng nền công vụ phục vụ phát triển… thì đây sẽ là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của người dân thành phố trong 50 năm xây dựng và phát triển đã qua, để huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển mà thành phố có nhiều dư địa và lợi thế nhưng chưa được tận dụng, khai thác.
Trong dòng chảy của Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đây là thời cơ để TP. Hồ Chí Minh củng cố, liên kết chặt chẽ hơn với vùng Đông Nam bộ, tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò của mình đối với cả nước, khẳng định vị thế tương xứng đối với khu vực và thế giới.