Nâng cao vị thế thương mại để thoát bẫy thu nhập trung bình
Đột phá nào để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình Vượt qua thách thức để thoát bẫy thu nhập trung bình Chuyên gia gợi mở chiến lược đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao |
Thách thức và nhu cầu chuyển đổi
Trong nhiều năm qua, xuất khẩu luôn là một trong các động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam (cùng với tiêu dùng và đầu tư). Mặc dù vậy, những hạn chế trong mô hình xuất khẩu hiện tại cũng ngày càng bộc lộ rõ. Nổi lên như: Nền kinh tế chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do hạn chế trong liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước; hạn chế về nguồn cung lao động kỹ năng cao; “nút nghẽn” về kết cấu hạ tầng có thể đe dọa đến năng lực cạnh tranh trong dài hạn...
Mặc dù Việt Nam đã khai thác thành công các hiệp định thương mại tự do trong quá trình hội nhập toàn cầu để thúc đẩy thương mại và đầu tư phát triển, nhưng đang có những hạn chế phát sinh liên quan đến động lực thu hút FDI chủ yếu dựa vào lao động dồi dào, giá rẻ. Điều này thể hiện ở việc tuy đã chuyển dịch nhanh sang các lĩnh vực chế biến - chế tạo công nghệ cao, nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các mặt hàng thâm dụng lao động với giá trị gia tăng thấp, dựa vào số lượng chứ chưa phải chất lượng.
Bên cạnh đó, thành quả hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam đến nay chủ yếu được các doanh nghiệp nước ngoài khai thác. Theo một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đóng góp khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngược lại, hầu hết các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực không có khả năng giao dịch thương mại, như các lĩnh vực dịch vụ truyền thống, xây dựng hoặc bất động sản, chứ chưa có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), trực tiếp hoặc gián tiếp với tư cách là nhà cung cấp. Trong năm 2023, chỉ có 18% doanh nghiệp có kết nối với các GVC, giảm 17 điểm % so với mức 35% của năm 2009. Điều này khiến Việt Nam chỉ thu về một phần nhỏ giá trị từ xuất khẩu, đồng thời chưa tận dụng được các hiệu ứng lan tỏa về năng suất và đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó, theo nhóm chuyên gia WB xây dựng báo cáo kể trên, một vấn đề đáng lưu tâm khác là mô hình hoạt động của lĩnh vực chế biến - chế tạo chủ yếu tập trung vào gia công lắp ráp ở khâu cuối, với nhu cầu lao động kỹ năng thấp, tuy đã tạo ra việc làm và giảm nghèo hiệu quả, nhưng không còn phù hợp để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tiếp tục tiến lên trong chuỗi giá trị. Cách tiếp cận này nếu không thay đổi sẽ khó tạo ra động lực đổi mới công nghệ, gia tăng năng suất và nâng tầm giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xuất khẩu luôn là một trong các động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam |
Tiềm năng phải được hiện thực hóa
Bối cảnh toàn cầu hiện nay đang đối mặt với những thay đổi sâu rộng. Các vấn đề kinh tế, địa chính trị và công nghệ đang làm dịch chuyển dòng chảy thương mại và đầu tư trên thế giới. Điều này mang lại những cơ hội đáng kể cho Việt Nam, chẳng hạn như việc thu hút dòng vốn đầu tư mới nhờ xu hướng chuyển dịch và tái cơ cấu chuỗi giá trị. Song, các thách thức cũng không kém phần rõ ràng, khi môi trường thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp, khó đoán định hơn. Trong bối cảnh đó, có lẽ quan trọng nhất là Việt Nam cần phải tiến hành những bước đi ngay từ lúc này để nâng cao vị thế trong tham gia các GVC.
Các chuyên gia của WB nhận định, mặc dù Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để vươn lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị, nhưng thành công sẽ không phải đương nhiên có được. Để khai thác tối đa cơ hội và đối phó với thách thức, Việt Nam cần tiếp tục những cải cách sâu rộng, đầu tư chiến lược cho kết cấu hạ tầng và vốn nhân lực. Trước tiên, cần nhóm giải pháp để thúc đẩy hội nhập thương mại sâu, nhất là trong khu vực.
Chính sách thương mại của Việt Nam đã đem lại thành tựu tự do hóa thuế quan đáng kể với phạm vi các FTA song phương và đa phương đã bao phủ đến gần 90% GDP của thế giới. Giai đoạn tiếp theo cần tập trung khai thác những hiệp định hiện có và hiệp định mới nhằm giảm đáng kể rào cản phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ và hội nhập sâu trong khu vực.
Theo các chuyên gia, nếu bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện nay khiến cho hợp tác đa phương theo đúng nghĩa trở nên khó khăn, thì các hiệp định khu vực và song phương, đa biên nên được theo đuổi để phát huy trong ngắn hạn. Việt Nam có thể chủ động theo hướng tăng cường chiều sâu các cam kết xoay quanh những nghị trình lớn như thương mại số, hài hòa quy chuẩn, mua bán điện và năng lực kết nối.
Bên cạnh đó, việc cải thiện mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và GVC là một bước đi cần thiết. Để làm được điều này, cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa thông qua các chương trình phát triển nhà cung cấp và tăng cường kết nối trong nước. Khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào xuất khẩu, không chỉ giá trị gia tăng được cải thiện mà năng suất chung của nền kinh tế cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Một trong những ưu tiên quan trọng khác là chuyển đổi từ mô hình gia công lắp ráp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, bao gồm cả dịch vụ. Hiện nay, tỷ trọng tổng hàm lượng dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 12%, thậm chí chỉ ở mức 7% nếu xét ở các mặt hàng chế biến - chế tạo xuất khẩu. Để thay đổi, Việt Nam cần đẩy mạnh “dịch vụ hóa” trong các ngành công nghiệp xuất khẩu, tăng cường quyền sở hữu trí tuệ, tháo gỡ các rào cản đối với thương mại dịch vụ, mở cửa cho các ngành dịch vụ chính trong nước tham gia cạnh tranh nhiều hơn.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo. Trong khi nguồn lao động giá rẻ đã giúp Việt Nam thành công trong giai đoạn hội nhập ban đầu thì hiện nay, lực lượng lao động kỹ năng cao mới là yếu tố quyết định để nâng tầm vị thế thương mại. Việc nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường sẽ là chìa khóa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cùng với đó, cần phát triển một nền kinh tế xanh và bền vững không chỉ là yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn mà còn là điều kiện để xây dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Các chính sách thúc đẩy sản xuất sạch, giảm phát thải carbon, và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cần được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển tới đây.
Nhìn về tương lai, Việt Nam đang có cơ hội lớn để củng cố vị thế thương mại và hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Nhưng để làm được điều đó, hành động cần được thực hiện ngay từ hôm nay.