Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 16-20/12
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/12 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/12 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 có nhiều tín hiệu tích cực.
Tính đến ngày 20/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.257,50 điểm, tăng trên 11% so với cuối năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 16/12 đạt 7.085 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm trước, tương đương 69,3% GDP ước tính năm 2023, tương đương hệ số giá trên lợi nhuận P/E khoảng 12 lần.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 21 tỷ đồng/phiên, tăng 7,6% so với bình quân năm 2023. Tổng mức huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán đạt khoảng 14,5% giá trị vốn đầu tư toàn xã hội. Số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục gia tăng, đến hết tháng 11/2024, đạt hơn 9,1 triệu tài khoản, tương ứng khoảng 9% dân số, đạt mục tiêu 9 triệu tài khoản trước thời hạn 2025 và đang hướng đến con số 11 triệu tài khoản vào năm 2030 được đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Thị trường trái phiếu tiếp tục phục hồi với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11.542 tỷ đồng, tăng 77,1% so với bình quân năm trước. Quy mô niêm yết tiếp tục đà tăng trưởng với 466 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.304 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2023, tương đương 22,5% GDP ước tính năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đến thời điểm này của năm 2024 vẫn chưa bứt phá bởi một số nguyên nhân sau. Trước hết, đó là do tính biến động mạnh trên thị trường khi khối nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỉ trọng chi phối với hơn 90%, trong khi khối này rất dễ bị tác động về mặt tâm lý. Hơn nữa, kể từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng gần 95.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cao hơn hẳn mức khoảng 22.000 tỉ đồng của năm ngoái. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, khiến dòng vốn chưa đổ mạnh vào thị trường.
Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng dang dở, nguồn cung chất lượng mới khan hiếm, sản phẩm tài chính mới còn ít... là những điểm hạn chế khiến thị trường khó phát triển như kỳ vọng. Đơn cử, yếu tố cần thiết nhất cho thị trường là hàng hóa, nhất là những hàng hóa mới có chất lượng cao, tuy nhiên, mấy năm gần đây, lộ trình đưa lên sàn Agribank, MobiFone, TKV, VNPT... vẫn yên ắng; VNPT từng được dự kiến sẽ IPO vào cuối năm 2019 với 35% cổ phần mang chào bán cho nhà đầu tư, đến nay chưa có tiến triển…
Năm 2025, các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với một số thách thức do những thay đổi của bối cảnh kinh tế quốc tế, qua đó thị trường chứng khoán VN được dự báo sẽ có nhiều biến động lớn hơn nhưng vẫn trong xu hướng tăng. Để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, điều quan trọng cần làm là tăng hàng hóa mới, sản phẩm mới và nâng hạng thị trường.
Về việc nâng hạng thị trường, các biện pháp giải quyết vướng mắc nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán VN hiện đang được triển khai quyết liệt. Quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS) đã chính thức áp dụng từ ngày 02/11/2024. Đây là 1 trong 2 điều kiện quan trọng để được FTSE Russell xét duyệt nâng hạng mà thị trường chứng khoán VN còn thiếu. Tiếp theo sẽ là tháo gỡ vướng mắc về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Có thể, thị trường chứng khoán VN sẽ được FTSE xét nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 và chính thức nâng hạng vào cuối năm 2026.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 16-20/12
Thị trường ngoại tệ, trong tuần tuần từ 16-20/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở hầu hết các phiên, đặc biệt tăng mạnh 2 phiên cuối tuần. Chốt ngày 20/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.324 VND/USD, tăng mạnh 60 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua - bán ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.
Tỷ giá đô-đồng liên ngân hàng trong tuần từ 16/12 - 20/12 biến động theo xu hướng tăng. Kết thúc phiên 20/12, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.455, tăng 52 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng ở hầu hết các phiên trong tuần qua. Chốt phiên 20/12, tỷ giá tự do tăng 100 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.650 VND/USD và 25.750 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, tuần tuần từ 16-20/12, lãi suất VND liên ngân hàng giảm 4 phiên đầu tuần và tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt ngày 20/12, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 4,09% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,50% (+0,07 điểm phần trăm); 2 tuần 4,97% (+0,39 điểm phần trăm); 1 tháng 5,13% (+0,01 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 20/12, lãi suất USD liên ngân hàng, giao dịch tại: qua đêm 4,43% (-0,18 điểm phần trăm); 1 tuần 4,50% (-0,16 điểm phần trăm); 2 tuần 4,58% (-0,13 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,62% (-0,13 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở tuần qua từ 16/12 - 20/12, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với khối lượng là 14.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 13.999,93 tỷ đồng trúng thầu và có 50.999,89 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN đấu thầu lãi suất ở 3 kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và 28 ngày. Có 16.643 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,0%, có 28.200 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất ở mức 4,0% và có 5.580 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Có 15.975 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN hút ròng 71.447,96 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 13.999,93 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 85.453 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu, ngày 18/12, Kho bạc nhà nước đấu thầu thành công 829 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 9%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm trúng 100 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 300 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được 429 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu. Riêng kỳ hạn 15 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng nhưng không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm là 2,0% (+0,09 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước đó), 10 năm là 2,75% (+0,09 điểm phần trăm) và 30 năm là 3,18% (+0,08 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 25/12, Kho bạc nhà nước dự kiến chào thầu 7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 3.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm chào thầu 500 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 14.238 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 29.255 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 20/12, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,94% (+0,08 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,95% (+0,08 điểm phần trăm); 3 năm 1,98% (+0,08 điểm phần trăm); 5 năm 2,29% (+0,15 điểm phần trăm); 7 năm 2,51% (+0,14 điểm phần trăm); 10 năm 2,97% (+0,12 điểm phần trăm); 15 năm 3,08% (+0,06 điểm phần trăm); 30 năm 3,25% (+0,06 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán, tuần từ 16/12 - 20/12, thị trường chứng khoán giao dịch cầm chừng, cho thấy tâm lý phân vân của nhà đầu tư. Kết thúc phiên 20/12, VN-Index đứng ở mức 1.257,50 điểm, giảm 5,07 điểm (-0,40%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index nhích 0,07 điểm (+0,03%) lên mức 227,07 điểm; UPCoM-Index tăng 0,85 điểm (+0,92%) đạt 93,39 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 14.500 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 15.100 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên 1.915 tỷ đồng trên cả 3 sàn
Tin quốc tế
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cập nhật triển vọng kinh tế và lãi suất chính sách trong tuần qua, đồng thời nước Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Trong cuộc họp ngày 17-18/12, Fed dự báo GDP Mỹ năm 2024 và 2025 lần lượt tăng 2,5% và 2,1%, đều cao hơn so với dự báo cùng tăng 2,0% hồi tháng 9. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo ở mức 4,2% trong năm nay và tăng nhẹ lên 4,3% trong năm sau, đều thấp hơn so với mức cùng ở 4,4% như dự báo trước.
Về lạm phát, Fed dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE toàn phần tăng 2,4% trong năm nay và 2,5% năm 2025, trái với dự báo trước lần lượt ở 2,3% và 2,1%. PCE lõi của 2 năm lần lượt là 2,8% và 2,5%, vẫn giảm tốc nhưng dai dẳng hơn so với dự báo 2,6% và 2,2% của tháng 9.
Về lãi suất chính sách, trong cuộc họp lần này, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, thuộc Fed) quyết định cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản, từ 4,50% - 4,75% xuống còn 4,25% - 4,5%. Trong suốt năm 2024, Fed đã có 3 lần hạ lãi suất chính sách với tổng 100 điểm cơ bản, bắt đầu từ tháng 09. Fed dự báo sẽ chỉ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2025 thay vì 100 điểm cơ bản như dự báo trước, đưa lãi suất chính sách cuối năm sau xuống ở mức 3,75% - 4,0%.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, Văn phòng Thống kê nước này công bố GDP chính thức tăng 3,1% so với quý trước trong quý III, điều chỉnh cao hơn so với mức tăng 2,8% theo kết quả thống kê ban đầu. Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE lõi tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng 11, giảm tốc so với mức 0,3% của tháng 10 và đồng thời thấp hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, PCE lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng vừa qua, không thay đổi so với mức tăng ghi nhận ở tháng 10.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 14/12 ở mức 220 nghìn đơn, giảm từ mức 242 nghìn đơn của tuần trước đó và đồng thời thấp hơn mức 229 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn bình quân 4 tuần gần nhất ở mức 225,5 nghìn, tăng 1,25 nghìn so với 4 tuần liền trước.
Cuối cùng, doanh số bán lẻ toàn phần tại nước này tăng 0,7% so với tháng trước trong tháng 11 sau khi tăng 0,5% ở tháng 10, vượt qua mức tăng 0,6% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số bán lẻ toàn phần tăng 3,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 2,9% của tháng 10, và cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2023 cho tới nay.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp cuối năm. Trong cuộc họp ngày 19/12, BoE cho biết chỉ báo lạm phát CPI so với cùng kỳ trong tháng 11 đã tăng lên mức 2,6% từ mức 1,7% ghi nhận ở tháng 10, chủ yếu do giá cả của các loại hàng hóa và thực phẩm lõi.
Bên cạnh đó, lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao. BoE nhận định lạm phát có thể tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới. Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC, thuộc BoE) khẳng định quyết tâm theo đuổi lạm phát mục tiêu 2,0% và đồng thời duy trì tăng trưởng việc làm. Trong cuộc họp lần này, MPC quyết định giữ lãi suất chính sách đi ngang ở mức 4,75% với sự đồng thuận của 6/9 thành viên. 3 thành viên còn lại ủng hộ cắt giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản. MPC sẽ tiếp tục dựa vào dữ liệu lạm phát và kinh tế trong những cuộc họp tiếp theo để có quyết định phù hợp về xu hướng chính sách tiền tệ.
Liên quan đến kinh tế Anh, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi nước này lần lượt ở mức 2,6% và 3,5% so với cùng kỳ trong tháng 11, cùng cao hơn so với 2,3% và 3,3% của tháng 10, gần khớp với dự báo ở 2,6% và 3,6%. Đây đều là các mức tăng cao nhất trong nửa cuối năm 2024.
Về thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Anh tăng nhẹ 0,3 nghìn đơn trong tháng 11 sau khi giảm 10,9 nghìn ở tháng 10, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 28,2 nghìn đơn của Reuters.
Tiếp theo, thu nhập bình quân của người dân Anh tăng 5,2% trong 3 tháng 09-10-11, cao hơn mức tăng 4,4% của 3 tháng 08-09-10, đồng thời cao hơn mức tăng 4,6% theo kỳ vọng. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Anh trong tháng vừa qua ghi nhận ở mức 4,3%, đi ngang so với kết quả thống kê của tháng 10 và cũng khớp với dự báo.